Theo thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương (Cục CT&BVNTD) trong những tháng đầu năm 2018, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng – 18006838 đã tiếp nhận 90 cuộc gọi phản ánh. Người dân phản ánh về việc bị gọi điện, nhắn tin với mục đích đe dọa, nhắc nợ. Các hình thức quấy rối này hiện gây ra sự bức xúc và ảnh hưởng tới cuộc sống và công việc hàng ngày.

Chấm dứt tình trạng đòi nợ qua điện thoại của các công ty tài chính - Hình 1

Người dân phản ánh về việc bị gọi điện, nhắn tin với mục đích đe dọa, nhắc nợ. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Người bị gọi đòi nợ liên tục nhận các cuộc điện thoại hoặc tin nhắn với nội dung đề nghị trả khoản nợ. Nhiều người đã thông báo về việc bị gọi nhầm và đề nghị đơn vị liên hệ kiểm tra lại thông tin để tránh tình trạng tiếp tục gọi điện nhầm. Một số trường hợp bị gọi điện quấy rối liên tục trong 6 tháng gần đây, tần suất cuộc gọi nhiều nhất là 10 cuộc/ngày.

Hiện nay về việc cho vay tiêu dùng, văn bản hướng dẫn về cho vay tiêu dùng cho các tổ chức tín dụng, công ty tài chính đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành. Vừa qua Ngân hàng Nhà nước cũng đã tiếp nhận thông tin về việc một số công ty tài chính có áp dụng hình thức thu hồi nợ thông qua tín dụng hoặc chuyển khoản để thu lợi.

Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các công ty tài chính yêu cầu chấm dứt ngay việc này và đề nghị rà soát, khắc phục, chấn chỉnh nhân viên, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong việc cho vay tín dụng. Trong chỉ đạo điều hành, ngày 15/5, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản chấn chỉnh về vấn đề cho vay tiêu dùng, trong đó có yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật; các đơn vị chức năng của Nhà nước tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng tiêu dùng.

Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để nắm bắt, xử lý và giải quyết các thông tin khiếu nại, kiến nghị của người dân.

Mộc Miên