Diễn đàn Khởi nghiệp ASEAN 2020 thu hút sự quan tâm đông đảo của các chuyên gia, diễn giả, và các sinh viên
Ngày 16/10/2020, Diễn đàn Khởi nghiệp ASEAN 2020 được tổ chức tại Hà Nội.
Phát biểu tại Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia cho hay, chúng ta đã có nhiều thực tiễn, kinh nghiệm tốt trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở các nước ASEAN riêng lẻ. Bây giờ là lúc chúng ta phải ngồi lại với nhau để chia sẻ kinh nghiệm, lan toả, tích hợp và nhân lên tạo hệ sinh thái khởi nghiệp của ASEAN, một thương hiệu ASEAN về khởi nghiệp sáng tạo.
Diễn đàn khởi nghiệp ASEAN đầu tiên năm 2020 sẽ mang thông điệp “Startup ASEAN” - ASEAN đứng lên, ASEAN khởi nghiệp, Diễn đàn sẽ chia sẻ về phát triển minh bạch và bền vững, chia sẻ các thực tiễn tốt, đồng thời chia sẻ các nền tảng chuyển đổi số.
Trong đó, chuyển đổi số không phải là việc của riêng các doanh nghiệp lớn, không phải việc “trên mây”, chuyển đối số là việc của tất cả các doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa sẽ là chủ nhân của kỷ nguyên số chứ không chỉ là các doanh nghiệp lớn.
“Với kỹ thuật số và nền tảng công nghệ, thế giới đang nhỏ lại, các doanh nghiệp nhỏ sẽ trở lớn lên và đương đầu với các người khổng lồ. DNNVV bao giờ cũng là sương sống với mọi nền kinh tế. Vì vậy, làm sao để các DNNVV, DN nhỏ có thể thực hiện chuyển đổi số, có thể lớn lên, đó là trách nhiệm của chúng ta”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Mặt khác, TS Vũ Tiến Lộc cũng chia sẻ, các doanh nghiệp lớn có thể tự tiếp cận nền tảng số, còn các doanh nghiệp nhỏ rất cần nền tảng hỗ trợ như của VCCI, của các tổ chức quốc tế để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, thực hiện chuyển đổi số. Đây cũng là cách để chúng ta thực hiện yêu cầu phát triển nền kinh tế bền vững.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, việc chú trọng phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chất lượng và có sức khỏe tốt, vượt qua được khó khăn từ đại dịch cần được quan tâm đầu tư mạnh mẽ.
Theo ông Phạm Dũng Nam - Giám đốc Văn phòng Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Bộ Khoa học & Công nghệ), để hình thành một lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp thực sự mạnh, đủ năng lực cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Việt với chất lượng và độ tinh xảo cao, chiếm lĩnh được thị trường trong nước và vươn ra thị trường khu vực, thậm chí toàn cầu, chính sách cho khởi nghiệp cần tính toán sao cho không đầu tư dàn trải.
Đặc biệt, không hỗ trợ chung chung mang tính phong trào cho khởi sự kinh doanh, mà cần có lộ trình chiến lược kết hợp các giải pháp chính sách ngắn hạn và dài hạn, tập trung cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao trong một số lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế hoặc phát triển sản phẩm, dịch vụ mang thế mạnh riêng có của vùng, miền, quốc gia.
Trong đầu tư cho khởi nghiệp, vai trò của xã hội và doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Trong chuỗi hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, Nhà nước có thể đầu tư cho nghiên cứu cơ bàn, nghiên cứu ứng dụng và một phần của hoạt động sản xuất thử nghiệm.
"Tuy nhiên, để đưa các kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường, ứng dụng được trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo thành sản phẩm, dịch vụ mới có giá trị gia tăng cho xã hội, thì cần sự đầu tư có trách nhiệm của các lực lượng xã hội, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần, trong đó các doanh nghiệp lớn đóng vai trò quan trọng. Chúng ta cần cơ chế đối tác hợp tác công - tư thực sự hiệu quả để huy động được nguồn lực tài chính đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nguồn, khởi nghiệp sáng tạo", ông Nam nêu rõ.
Cũng theo ông Nam, trong hệ sinh thái đối mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia, trường đại học đóng vai trò quan trọng. Đây là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực công nghiệp và xã hội, đóng góp vào sự gia tăng tài sản trí tuệ và năng lực trí tuệ cho các doanh nghiệp. Lực lượng sinh viên với nhiều ý tưởng sáng tạo và tư duy tươi mới là đầu vào đầy tiềm năng cho các dự án khởi nghiệp.
Để bắt kịp với xu hướng phát triển hiện đại, các trường đại học Việt Nam cần được trang bị đủ năng lực để tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ và chuyển giao công nghệ, hình thành các vườn ươm (incubator) và đơn vị thúc đẩy kinh doanh (business accelerators) để nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo và các doanh nghiệp khởi nguồn (spin-offs), khởi nghiệp (start-ups).
Cần khuyến khích các trường đại học, đặc biệt là các trường khối kỹ thuật và công nghệ, dành không gian thích đáng cho hoạt động ươm tạo công nghệ, xưởng thiết kế chế tạo của sinh viên, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên năm cuối và cựu sinh viên. Việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học là xu thế tất yếu cần quan tâm thúc đẩy.
Thái Bình