Sputnik của Nga thông tin, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zangeneh đã gửi một lá thư gửi tới Chủ tịch của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Theo đó, Bộ trưởng Iran đã kêu gọi các thành viên OPEC "không để cho người khác thực hiện các biện pháp chính trị nhằm vào sự thống nhất và độc lập của OPEC".

Cho tư nhân xuất dầu, Iran đương đầu Mỹ - Hình 1

Iran yêu cầu các nước thành viên OPEC không nghe lời "người ngoài" như Mỹ.

"Tôi kính yêu cầu Ngài nhắc nhở các nước  thành viên OPEC tuân thủ các cam kết của họ theo quyết định của OPEC được thông qua trong các cuộc họp lần thứ 171 và 174, đồng thời tránh bất kỳ nỗ lực đơn phương nào làm suy yếu sự thống nhất và độc lập của OPEC".

Bộ trưởng Zangeneh nhấn mạnh rằng bất kỳ sự gia tăng trong sản xuất của bất kỳ nước thành viên OPEC nào "ngoài cam kết quy định trong các quyết định của OPEC được thông qua trong các cuộc họp 171 và 174 ... sẽ cấu thành một sự vi phạm thỏa thuận".

Trước đó, Đại diện của Iran tại OPEC Hossein Kazempour Ardebili đã nhận định rằng, trong trường hợp Saudi Arabia thực hiện đúng yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump là tăng sản lượng khai thác lên 2 triệu thùng/ngày thì tức là Riyadh chấp nhận rút khỏi OPEC.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 30/6 đã tweet trên trang Twitter cá nhân cho rằng nhà vua Saudi Arabia đã đồng ý với đề nghị của ông về việc tăng sản lượng dầu thô khai thác của Riyadh lên 2 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, sau đó Nhà Trắng đã sửa đổi tuyên bố rằng, trong cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Saudi Arabia, Riyadh đã "sẵn sàng áp dụng các biện pháp để ổn định thị trường dầu mỏ".

Cơ quan tin tức SPA của Saudi Arabia cũng đã báo cáo về cuộc đàm thoại giữa ông Trump và vua Salman, nhưng chưa đề cập đến thỏa thuận được Tổng thống Mỹ công bố. Cơ quan này thông tin rằng hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết của họ để duy trì sự ổn định của thị trường dầu mỏ và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tờ Wall Street Journal cũng trích dẫn một quan chức cao cấp của Saudi nói rằng họ không hứa hẹn cụ thể với Trump nhưng đảm bảo với ông về khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Trong một cuộc họp ở Vienna tuần trước, các nước OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ khác đã nhất trí về việc tăng sản lượng dầu mỏ lên 1 triệu thùng/ngày.

Trong một tuyên bố riêng biệt, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran cũng tuên bố rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5/ 2018 sẽ không ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu của nước này.

Trong một động thái nhằm đưa đất nước tránh các biện pháp trừng phạt, Iran đã cho phép các công ty tư nhân xuất khẩu dầu thô.

Điều này được Phó Tổng thống thứ nhất của Iran Eshaq Jahangiri ngày 1/7 tuyên bố.

Phát biểu tại một sự kiện kinh tế tại Tehran được phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình nhà nước, Phó Tổng thống Jahangiri nêu rõ: "Dầu thô của Iran sẽ được đưa ra thị trường chứng khoán và công ty tư nhân có thể xuất khẩu dầu một cách minh bạch.

Chúng tôi muốn chiến thắng nỗ lực của Mỹ... nhằm cắt đứt hoạt động xuất khẩu dầu của Iran. Dầu đã được đưa ra thị trường chứng khoán, khoảng 60.000 thùng một ngày, nhưng chỉ được xuất khẩu sản phẩm dầu."

Liên quan tới thông tin cho rằng Saudi Arabia có thể tăng cường xuất khẩu dầu để thay thế Iran trên thị trường dầu mỏ thế giới, ông Jahangiri tuyên bố: "Bất kỳ ai muốn cướp đi thị phần dầu mỏ của Iran sẽ là hành động phản bội đối với Iran và một ngày sẽ phải trả giá".

Iran cũng đang nghiên cứu các giải pháp để duy trì hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và các biện pháp khác nhằm đối phó với lệnh trừng phạt của Mỹ được dự báo gây tổn hại lớn đối với kinh tế nước này.

Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA cho hay, giới chức Iran đã chuẩn sẵn sàng các phương án đối phó với từng "kịch bản" của các mối đe dọa từ lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực. Một trong những giải pháp đó là tự cung tự cấp trong lĩnh vực sản xuất xăng.

Ngoài ra, chính phủ và quốc hội Iran đã thành lập một ủy ban nghiên cứu về những đối tác tiềm năng mua dầu mỏ của nước này cũng như các giải pháp đưa kiều hối về nước sau khi các biện pháp trừng phạt có hiệu lực.

Bên cạnh đó, Iran cũng đã hối thúc các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở nước này phối hợp.

Cho tư nhân xuất dầu, Iran đương đầu Mỹ - Hình 2

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh. Ảnh: Reuters

Ngày 30/6, Bộ trưởng Công nghiệp Iran Mohammad Shariatmadari kêu gọi tất cả doanh nghiệp nước ngoài không nên bị các lệnh trừng phạt của Mỹ hăm dọa và nên duy trì hoạt động tại quốc gia Trung Đông này.

Ông Mohammad Shariatmadari cho biết thêm hiện Tehran đang trong quá trình thương lượng với các hãng sản xuất xe ôtô của Pháp như PSA và Renault về việc duy trì sự vận hành của các hãng này ở Iran.

Theo ông Shariatmadari, cho đến thời điểm hiện tại, Iran vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin về việc các hãng xe này sẽ rời đi.

Cho đến nay, Iran tuyên bố họ chưa nhận được gói đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) nhằm bảo vệ các lợi ích của Tehran trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân mà nước này ký với các cường quốc hồi năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi cho hay các nước thành viên EU vẫn đang tổ chức thảo luận để đưa ra những đề xuất của họ.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani trước đó đã hối thúc các nước châu Âu tham gia ký JCPOA đề ra những biện pháp rõ ràng và thực tế để bảo vệ lợi ích của Iran sau khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận này.

Theo Baodatviet