Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Nhiệm vụ chính trị quan trọng - Hình 1

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 

Làm rõ hành vi vi phạm của Khaisilk

Ngày 3/11, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của Tập đoàn Khaisilk trong kinh doanh các sản phẩm lụa tơ tằm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 15/12/2017.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan thông tấn, báo chí, các hiệp hội ngành, nghề đẩy mạnh công tác tuyên truyền về pháp luật, về những nguy hại của hành vi gian lận xuất xứ, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, nhất là tại các DN sản xuất, kinh doanh sản phẩm, các làng nghề truyền thống; kịp thời lên án, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật.

Xử lý hành vi SXKD phân bón giả

Ngày 9/10, Phó Thủ tướng có văn bản chỉ đạo về chống tội phạm sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Văn phòng Thường trực BCĐ 389/QG theo dõi sát tình hình, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Trưởng BCĐ 389/QG kết quả đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.

Giao Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện, đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời tham mưu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng phân bón; đồng thời phối hợp với các lực lượng liên quan tiến hành thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, các địa bàn nổi cộm, điểm nóng về sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Giao Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa, điều kiện sản xuất, kinh doanh, bảo quản hàng hóa là phân bón.

Siết quản lý SXKD dược phẩm, mỹ phẩm

Ngày 23/9, Phó Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo về tình hình sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Phó Thủ tướng yêu cầu BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường quản lý, giám sát các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bộ Y tế khẩn trương có biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; kiên quyết xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chống buôn lậu là nhiệm vụ quan trọng

Ngày 20/7, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới của BCĐ 389/QG, Phó Thủ tướng yêu cầu, những tháng cuối năm và thời gian tiếp theo, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trong đó, tập trung triển khai, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389/QG; xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các cấp, các ngành, kiên quyết không có vùng cấm trong công tác này.

Nâng cao trách nhiệm BCĐ 389 các cấp

Ngày 6/6, Phó Thủ tướng đã ký Quyết định số 361/QĐ-BCĐ389 ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa BCĐ 389/QG, BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương thống nhất chỉ đạo, điều hành công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo đó, Quy chế áp dụng đối với Trưởng ban, các phó trưởng ban và các ủy viên BCĐ 389/QG, BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương; Văn phòng Thường trực BCĐ 389/QG, cơ quan thường trực BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó, quy định rõ về nguyên tắc xác định trách nhiệm, nguyên tắc chỉ đạo, điều hành, mối quan hệ phối hợp, các nội dung phối hợp…

Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Nhiệm vụ chính trị quan trọng - Hình 2

Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - Nhiệm vụ chính trị quan trọng

Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động

Ngày 27/4, Phó Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 264/QĐ-BCĐ389 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 31/QĐ-BCĐ389 ngày 23/5/2014 của Trưởng BCĐ 389/QG về ban hành Quy chế hoạt động của BCĐ 389/QG theo hướng củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Theo quyết định này, Văn phòng Thường trực BCĐ 389/QG có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo BCĐ 389/QG trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, quy định cụ thể hơn nhiệm vụ của một số phó trưởng ban; phân công rõ địa bàn phụ trách của các phó trưởng ban.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn…

Ngày 1/3, Phó Thủ tướng giao Văn phòng Thường trực BCĐ 389/QG chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng thời, ổn định thị trường, chống thất thu ngân sách nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng cần xử lý đúng chức trách, thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và dứt điểm các vụ việc có dấu hiệu buôn lậu và gian lận thương mại được phát hiện (điển hình là vụ nhập lậu thuốc lá ở cảng Quy Nhơn). Các ngành chức năng cần phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vận động quần chúng nhân dân phản ánh, tố giác các hành vi vi phạm, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Giao nhiệm vụ trọng tâm cho Lào Cai

Ngày 10/2, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 67/TB-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng về việc giao nhiệm vụ trọng tâm phòng chống buôn lậu cho tỉnh Lào Cai. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lào Cai chỉ đạo các lực lượng chức năng cần tập trung làm tốt 6 nhiệm vụ tăng cường công tác phòng chống buôn lậu.

Cụ thể, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các chỉ đạo, kế hoạch của BCĐ 389/QG về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tổ chức triển khai Kế hoạch công tác năm 2017 bảo đảm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Thị sát chống buôn lậu tại An Giang

Ngày 9/1, Phó Thủ tướng đã đi thị sát công tác chống buôn lậu tại tỉnh An Giang, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, phòng chống tội phạm trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả lớn mà tỉnh An Giang đạt được, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế mà tỉnh cần khắc phục trong thời gian tới. Một trong những yếu kém được Phó Thủ tướng đề cập đó là tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, phân bón và thuốc trừ sâu giả và kém chất lượng đang gây nhiều khó khăn cho nông dân. Các lực lượng cần phải kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này...

“Không có vùng cấm trong chống buôn lậu…”

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Lào Cai chiều 6/1.

Phó Thủ tướng cho rằng, để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đi vào thực chất, tỉnh Lào Cai cần chỉ đạo các lực lượng chức năng cần nghiêm túc thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của BCĐ 389/QG về công tác chống buôn lậu; phát huy trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, lâu dài…

Hà Thu (Ghi)