Ông đánh giá thế nào về thực trạng hàng giả, hàng nhái hiện nay?
Thực trạng buôn lậu, GLTM và hàng giả hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi.
Gần đây, do tác động của tình hình đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động SXKD của các doanh nghiệp (DN) và công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của các lực lượng thực thi. Các đối tượng đã lợi dụng tình hình này để thực hiện các hành vi vi phạm.
Tình trạng kinh doanh hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử (facebook, zalo…) ngày càng diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Cơ quan thực thi cũng đã tăng cường các biện pháp đấu tranh, đầu tư về kiến thức, công nghệ để bắt kịp sự phát triển của thương mại điện tử. Lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm lớn, bắt giữ nhiều hàng hóa vi phạm trong các kho hàng tại nhiều địa phương, với nhiều chủng loại hàng hóa khác nhau.
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô tính chất và địa bàn. Các mặt hàng giả ngày càng đa dạng, từ đồ ăn, thức uống, đến hàng hóa chất lượng cao như đồ điện tử, thậm chí tem chống hàng giả cũng bị làm giả.
Hàng giả là vấn nạn của xã hội, ảnh hưởng tới uy tín, sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), đến quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.
Cuộc đấu tranh chống sản xuất hàng giả, hàng nhái, GLTM không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà là của toàn khu vực và thế giới. Không còn là trách nhiệm của một ngành mà là của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm hỗ trợ DN sản xuất hàng hóa và đã có nhiều chỉ đạo để đẩy lùi vấn nạn này. Các cơ quan chức năng cũng đã tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống vấn nạn này và đã đạt những kết quả tích cực.
Hiệp hội VATAP cũng đã chuyển hàng trăm hồ sơ về hàng giả, hàng nhái của DN hội viên tới các cơ quan thực thi để can thiệp, xử lý.
Nhân đây, Hiệp hội VATAP cũng đề nghị các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, xử lý các vi phạm. Các lực lượng thực thi phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, ngành hàng, các DN nhằm tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Vậy, theo ông đâu là giải pháp đấu tranh hiệu quả chống vấn nạn này?
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389/QG, các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp đồng bộ đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả, qua đó thu được nhiều kết quả quan trọng, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, SXKD hàng giả, hàng nhái, tạo sự chuyển biến tích cực, giúp ổn định thị trường, mang lại niềm tin cho DN và người dân.
Để đấu tranh có hiệu quả trong công tác này, theo tôi, chúng ta cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau.
Một là, các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ, cần vào cuộc đấu tranh thường xuyên, liên tục; tham mưu và tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389/QG, các bộ, ngành, địa phương về công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả.
Hai là, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi SXKD hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Thực hiện kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống xã hội.
Cần phải có sự phối hợp gắn kết hơn nữa giữa cơ quan quản lý nhà nước với các hiệp hội, DN trong đấu tranh chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cần đưa ứng dụng các giải pháp công nghệ số vào việc chống hàng giả để các DN bảo vệ được sản phẩm của mình, đồng thời giúp lực lượng chức năng có cơ sở phát hiện xác minh được hàng thật, hàng giả.
Ba là, đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền chủ trương của Chính phủ về công tác này; tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh chấp hành các quy định của pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt, coi trọng vai trò của DN và người mua hàng. Đề cao vai trò, gắn trách nhiệm người đứng đầu quản lý, phụ trách địa bàn, đơn vị, địa phương.
Tăng cường quản lý giám sát hoạt động thương mại điện tử. Tăng cường công tác tuyên truyền qua các kênh truyền thông nhằm nâng cao ý thức của người tiêu dùng không mua các hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bốn là, hiện nay chế tài xử lý chưa đủ mạnh dẫn đến các đối tượng sản xuất hàng giả sẵn sàng vi phạm vì lợi nhuận mang lại lớn hơn nhiều so với số tiền bị xử lý hành chính. Do đó, để tạo sức răn đe, cơ quan chức năng cần hoàn thiện hành lang pháp lý, tránh chồng chéo, tăng chế tài xử lý. Tuyên truyền, giáo dục thường xuyên cho đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật.
Đặc biệt, đối với người tiêu dùng cũng cần mua sắm hàng hóa thông minh, trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết để phân biệt được hàng chính hãng và hàng kém chất lượng.
Doanh nghiệp cần làm gì để chung tay cùng lực lượng chức năng và Hiệp hội trong việc chống hàng giả, hàng nhái, GLTM thưa ông?
Trước tiên các DN cần đăng ký sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm hàng hóa của mình và đăng ký kinh doanh theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Đối với hình thức kinh doanh thương mại điện tử cũng phải được đăng ký hoạt động với cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Các DN cần cung cấp thông tin tới cơ quan chức năng và Hiệp hội khi phát hiện hàng hóa của mình bị làm giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ để cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm kịp thời.
Chủ động khiếu nại khi bản quyền sở hữu trí tuệ của mình bị vi phạm. Đây cũng chính là nghĩa vụ của mỗi DN, giúp các lực lượng chức năng dễ dàng hơn trong việc kiểm soát nguồn hàng và đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái.
DN cần thông tin cho người tiêu dùng biết về những đặc điểm riêng biệt của sản phẩm. Tăng cường công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, chủ động trong việc chống hàng giả, hàng nhái.
Hiệp hội VATAP cũng kêu gọi các DN nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức tự bảo vệ thương hiệu sản phẩm, hàng hóa của mình, bảo đảm chất lượng đối với sản phẩm hàng hóa đã công bố; chịu trách nhiệm trước pháp luật sản phẩm hàng hóa do DN mình SXKD; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu.
Trân trọng cảm ơn Chủ tịch!
Nguyễn Thanh (Thực hiện)