Thực hiện Phiên họp thứ 25, sáng 17/8, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Tại Phiên họp, sau khi Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật Bảo Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, thường trực Ủy ban Xã hội - cơ bản nhất trí với mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
![Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/08/17/vuongdinhhue-1-564-1692258673.jpg)
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ lưu ý Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) phải phản ánh được tính lịch sử, tâm lý xã hội, dân số, sức khỏe nhân dân, dựa trên những căn cứ khoa học, tính thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, tính toán cụ thể, tính dự báo cao và pháp điển hóa những quy định về chính sách, pháp luật về BHXH.
Các chính sách và tác động hướng đến các mục tiêu của Nghị quyết số 28 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết số 28) đã đặt ra, phù hợp với thực tiễn phát triển của quan hệ lao động, thị trường lao động ở nước ta, khả năng bảo đảm của ngân sách nhà nước, khả năng cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn.
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đồng tình với phương án giảm thời gian đóng BHXH, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lý giải, tình trạng rút BHXH một lần diễn ra vừa qua, do thời gian đóng quá dài, hiện đang ở mức 20 năm.
“Trong lúc khó khăn bởi đại dịch như vậy, giữa 20 năm sau với cái trước mắt, đôi khi người lao động bắt buộc phải chọn cái trước mắt, vì thấy sau 20 năm dài quá”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay.
Theo Nghị quyết của Trung ương, thời gian đóng BHXH sẽ hướng đến 10 năm và có lộ trình, giai đoạn trung gian là 15 năm. Do vậy, theo ông Huệ, cơ quan soạn thảo có thể cụ thể thêm, ngoài đề xuất thời gian đóng 15 năm, nếu xác định thời điểm, lộ trình giảm xuống còn 10 năm nữa thì sẽ rất tốt.
![Quang cảnh Phiên họp sáng 17/8/2023. Quang cảnh Phiên họp sáng 17/8/2023.](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/08/17/170820230850-bh-2-1692258712.jpg)
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đến tỷ lệ đóng BHXH. So với mức hiện nay, theo ông, các nước trong khu vực có mức đóng thấp hơn nhiều.
Cụ thể, mức đóng hiện nay của chúng ta là 17% của doanh nghiệp, cộng với 25% người lao động, cộng các khoản khác như BHYT thì lên đến trên 32%.
Theo ông, mức đóng này rất cao, khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp khó hơn. “Doanh nghiệp kiến nghị giảm mức đóng xuống 20%: Người lao động 5%, còn doanh nghiệp 15%. Phương án này dù rất khó, nhưng nên cân nhắc, có lộ trình giảm dần từng chút từng chút một”, ông nói.
Về tình trạng trốn đóng BHXH bắt buộc, lâu nay có quy định hành vi chậm đóng, nhưng dự thảo lần này bỏ, theo ông, quy định như vậy là “rất nghiêm khắc”. Ủng hộ xử lý nghiêm người trốn đóng, nhưng về chậm đóng, theo ông, nếu bỏ đi thì “chưa hợp lý”, vì sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. “Cần khôi phục khái niệm chậm đóng, còn trốn đóng thì phải xử lý nghiêm”, ông Công kiến nghị.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nói, thời gian qua đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo. Các nội dung đã được lấy ý kiến rất sâu rộng, các tổ chức liên quan đến người lao động cũng như các tổ chức quốc tế cơ bản đồng tình.
Theo Bộ trưởng, cũng như việc điều chỉnh tuổi hưu trước đây, vấn đề rút BHXH 1 lần rất phức tạp, nhạy cảm. Vấn đề quan trọng đặt ra là cần hài hoà giữa vấn đề an sinh xã hội và giải quyết khó khăn trước mắt, không tạo ra sốc với người lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thông tin, có tới 75% người rút BHXH một lần ở khu vực phía nam, miền trung, đại đa phần là công nhân. Do vậy, ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem phương án nào tối ưu nhất. Có thể ban hành chính sách khác để người lao động không phải rút BHXH một lần, ví dụ hỗ trợ về tín dụng. Bộ đã làm việc với ngân hàng, nhưng vẫn chưa đi đến tận cùng vấn đề.
Về lộ trình giảm thời gian đóng xuống 10 năm, theo ông Dung, đây mong muốn nhưng rất khó thực hiện. Bởi nếu giảm xuống 10 năm, thì mức lương hưu thấp quá. “Trước mắt, nhiệm kỳ này đưa xuống thời gian đóng 15 năm cho phù hợp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Thiên Trường