Ngày 11/11/2022, Tòa soạn Thương hiệu và Công luận đã đăng tải bài viết Tổng kho gia dụng Mina Quỳnh Anh tại hải Phòng bán hàng không có tem nhãn phụ tiếng Việt, phản ánh về việc Tổng kho gia dụng Mina Quỳnh Anh tại số 188 Phủ Thượng Đoạn, P. Đông Hải 1, Q. Hải An, TP. Hải Phòng bán hàng không rõ nguồn gốc, không có nhãn phụ theo quy định, nghi ngờ bán thực phẩm đông lạnh không đảm bảo chất lượng tiểm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Bài viết đã nhận được nhiều sự quan tâm của đọc giả, đông đảo người thường xuyên mua hàng tại đây.
Sau khi bài viết của Thương hiệu và Công luận được đăng tải đã nhận được nhiều sự quan tâm từ bạn đọc và người tiêu dùng. Trái ngược với việc nhận sai và sửa sai chủ Tổng kho gia dụng Mina Quỳnh Anh đã công khai trên Fanpage và trang cá nhân của mình thể hiện thái độ coi thường các cơ quan chức năng.
Đồng thời, Mina Quỳnh Anh tiếp tục đăng bán hàng không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác hay hàng hóa nước ngoài không có nhãn mác phụ bằng tiếng Việt như: Sữa béo Nga, máy hút mụn, áo len tăm, kem nền chống nắng nhập khẩu của Nhật, kéo Nhật, chả dồi sụn, cá mực vòng, chăn phao với giá rẻ chỉ từ 29k – 299k cho mỗi sản phẩm, riêng sữa béo nhập khẩu Nga chỉ bán với giá 69k/1kg.
Mina Quỳnh Anh đóng cửa để kiểm tra hàng
Ngày 13/11/2022, Tòa soạn Thương hiệu và Công luận được độc giả cung cấp thông tin, đã tìm hiểu đã đăng tải bài viết: Chủ tổng kho gia dụng mina Quỳnh Anh tại Hải Phòng kêu gọi đầu tư và cho vay nặng lãi với nội dung “Chủ tổng kho gia dụng Mina Quỳnh Anh Hải Phòng kêu gọi đầu tư và cho vay nặng lãi”. Bài viết tiếp tục nhận được nhiều phản hồi và sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.
Chỉ sau vài tiếng đồng hồ bài viết thứ 2 được đăng tải thì chủ kho Mina Quỳnh Anh đã có động thái xóa hết các livestream trên mạng xã hội có liên quan đến việc gọi vốn, các lời lẽ câu dẫn như “các bác có muốn kiếm tiền không, hơn 300 nhà đầu tư bên em chuẩn bị được lấy tiền vốn đầu tư về rồi đấy ạ".
Hôm nay em nhận đầu tư phần chia lợi nhuận cho các nhà đầu tư là 50%..” và một số hình ảnh chủ tài khoản Mina Quỳnh Anh này chia sẻ lên Facebook về việc chuyển tiền lợi nhuận cho người đã góp vốn.
Cùng lúc với việc xóa nhiều bài viết, xóa một số livestream của chủ kho hàng thực hiện thì Mina Quỳnh Anh đã thông báo bản thân sẽ vắng mặt 1 tuần với lý do đi chơi, sau đó cũng thông báo kho đóng cửa để kiểm tra hàng.
Loạt hành động này là sự trùng hợp ngẫu nhiên vào thời điểm cơ quan báo chí và dư luận đang hướng sự quan tâm về kho hàng này.
Tiếp tục công khai bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ
Ngày 18/11/2022, chủ kho Mina Quỳnh Anh tiếp tục lên livestream bán rất nhiều mặt hàng “trắng thông tin” như bún khô nhiều mầu, bát nhựa đựng rượu và nhiều sản phẩm hàng nhập khẩu 100% chữ nước ngoài như bộ mỹ phẩm Thefirst Ohui, thuốc xịt xoang, bông rửa mặt, máy cắt lông xù, máy ép tóc, kem ngọc trai. Sản phẩm tinh dầu xịt xả chanh là hàng hóa có nhãn tiếng Việt, tuy nhiên lại không có địa chỉ nơi sản xuất, không tên cơ sở sản xuất, không có mã vạch bán với giá 10 nghìn đồng 1 chai 500ml.
Đặc biệt có sản phẩm sữa tắm Enchenter công khai bán trên livestream quảng cáo là “sản phẩm nhập khẩu chuẩn từ Thái Lan ngoài thị trường bán 150 nghìn đồng 1 chai nhưng bán tại livestream chỉ có 25 nghìn đồng 1 chai”.
Sản phẩm Enchenter thực tế khách hàng nhận được phản ánh cho phóng viên Thương hiệu và Công luận lại có nhãn là Anchentur, có duy nhất địa chỉ tên công ty nhập khẩu và phân phối bằng tiếng Việt. Khi khách hàng kiểm tra tên và địa chỉ công ty này trên các trang website thì không hiển thị thông tin giống như địa chỉ ghi trong nhãn của chai sữa tắm Anchentur. Giá chai sữa tắm Anchentur thực tế bán cho khách chỉ có 15 nghìn đồng 1 chai. Đây là sản phẩm có tên na ná hãng mỹ phẩm Enchenter, hình thức thể hiện bên ngoài vỏ chai cũng giống hết với cách trình bày của sữa tắm Enchenter. Bà L.T.K.H khách hàng nghi ngờ đây chính là hàng giả, hàng nhái mà kho gia dụng Mina Quỳnh Anh cung cấp ra thị trường.
Tổng kho gia dụng Mina Quỳnh Anh có rất nhiều người chống lưng?
Sau khi, cơ quan báo chí đưa tin Tổng kho gia dụng Mia Quỳnh Anh liên tục trên các livestream vẫn bán hàng 100% chữ nước ngoài mà không nhãn phụ bằng tiếng Việt, hàng không rõ nguồn gốc, hàng nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (túi xách nhãn hiệu Gucci giá 250 nghìn) và thường xuyên nói về “định luật hấp dẫn, luật nhân quả, nghiệp...” gieo dắt niềm tin, thao túng tâm lý người nghe để tiếp tục kêu gọi người đầu tư vốn đầu tư từ các cá nhân, kêu gọi người thế chân người rút vốn từ hợp đồng đầu tư cũ của mình.
Ngoài việc dùng lời lẽ để tạo lòng tin người tiêu dùng, bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng hiệu “rởm” bị nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả thì Mina Quỳnh Anh còn nhắc đến “các bác - hôm trước các bác cũng qua kiểm tra một chút, nhưng kho thì không có vấn đề gì, hàng về đến đâu thì hết đến đấy”. Không hiểu “các bác” mà chị Ng, chủ tổng kho gia dụng Mina Quỳnh Anh nhắc đến là ai? Việc kiểm tra “không có vấn đề gì” có thực như chị Ng, chủ kho hàng Mina Quỳnh Anh công khai tuyên bố trên livestream và tự tin tiếp tục bán các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc. Việc làm này rõ ràng đang tỏ thái độ coi thường, thách thức các lực lượng chức năng Hải Phòng và còn có “chị chủ nhà ở đây này, chị ấy quan hệ tốt, chị ấy lo hết”.
Không rõ thế lực nào đã nhận được cái “lo hết” ấy từ việc “quan hệ tốt” như chủ tổng kho gia dụng Mina Quỳnh Anh nói để “bảo kê” cho việc bán hàng có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng về VSATTP. Không chỉ có vậy, chủ kho hàng Mina Quỳnh Anh còn rất tự tin rằng “có rất nhiều người chống lưng”. Phải chăng chính vì được rất nhiều người chống lưng nên chị Ng, chủ kho hàng, kiêm giám đốc công ty TNHH Ruby Việt mới tiếp tục kêu gọi vốn và bán hàng không rõ nguồn gốc, trắng thông tin như vậy.
Ngày 09/12/2021, Chính phủ đã ban hành nghị định số 111/2021/N Đ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định số 43/2017/N Đ-CP về nhãn hàng hóa. Tại khoản 5, điều 1 sửa đổi, bổ sung điều 10 nghị định 43/2017/ N Đ-CP về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa với 2 mục: Mục 1 là đối với nhãn hàng các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung bằng tiếng Việt như: tên hàng hóa; tên địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa (khoản 3, điều 15 nghị định này). Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại phụ lục I ban hành kèm theo nghị định này và quy định pháp luật liên quan.
Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi đủ 03 mục đầu tiên trên bao bì, thân vỏ sản phẩm còn các nội dung bắt buộc khác sẽ được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó. Mục 2 quy định nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt Nam khi làm thủ tục thông quan: Tên hàng hóa; xuất xứ hàng hóa, trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại Khoản 3, Điều 15 Nghị định này; tên hoặc viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài, trường hợp nhãn gốc chưa thể hiện đẩy đủ tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc chịu trách nhiệm ở nước ngoài thì phải ghi trong tài kiệu kèm theo hàng hóa. Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc tiếng nước ngoài sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định tại Khoản 1, điều này trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị trường Việt Nam.
Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền lên đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tố chức, cá nhân kinh doanh.
Điều 22, nghị định số 128/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan lên đến 03 triệu đồng với hành vi nhập khẩu hàng hóa có nhãn gốc nhưng không đọc được các nội dung trên nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Điều 6 nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, phạt tiền từ 1 triệu đồng cho đến 5 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề, địa điểm, mặt hàng đã đăng ký.
Mai Lương
(Còn nữa)