Theo thông tin phản ánh từ bạn đọc, tại cở sở này có hiện tượng chế biến thực phẩm mất vệ sinh, bảo quản thực phẩm sống và chín chưa đúng quy trình, gây phản cảm. Thương hiệu Five Star là tên của chuỗi các cửa hàng bán và phân phối các sản phẩm đồ ăn nhanh thuộc Tập đoàn C.P. Việt Nam. Five Star dùng “phông bạt” C.P. Việt Nam để "quảng cáo" nhằm che lấp đi sự lỏng lẻo hay nói cách khác là “cố tình làm ngơ” để hiện tượng cửa hàng thuộc quản lý của hệ thống Five Star “tự tung tự tác”, phó mặc sức khỏe người tiêu dùng vào tay một số cá nhân.
Sau khi đăng tải bài viết: “Nghi vấn sản phẩm đồ ăn nhanh tại cửa hàng Five Star Hải Phòng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm” ngày 21/02/2022.
Ngày 13/03/2022, Tạp chí Thương hiệu và Công luận điện tử tiếp tục có bài viết: “Five Star “truy lùng” người cung cấp thông tin cho báo chí”. Bài viết đã thu hút sự quan tâm không nhỏ của bạn đọc. Đồng thời, phê phán thái độ của chủ cơ sở, một số cán bộ, nhân viên của Five Star.
Chi Cục ATVSTP Hải Phòng thành lập đoàn kiểm tra đột xuất
Đươc biết, ngày 24/02/2022 Chi Cục ATVSTP Hải Phòng đã thành lập đoàn kiểm tra đột xuất sau khi cơ quan báo chí đăng tải. Đoàn đã kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở kinh doanh gà rán thương hiệu Five Star tại 116B Trần Tất Văn, thị trấn An Lão, huyện An Lão, TP. Hải Phòng do bà An Thị Ngân là chủ cơ sở với lỗi chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo VSATTP là 10 triệu đồng và phạt lỗi thực phẩm không rõ nguồn gốc ở mức 250 nghìn đồng.
Tại khoản 1 điều 18 Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong an toàn vệ sinh thực phẩm quy định: Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Được sửa đổi bổ sung tại nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn vệ sinh thực phẩm quy định mức phạt tiền quy định tại điều 18 chương 2 nghị định 115/2028/NĐ-CP là mức phạt đối với tổ chức,cá nhân vi phạm mức phạt được giảm đi một nửa. Như vậy mức phạt đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở kinh doanh gà rán thương hiệu Five Star tại 116B Trần Tất Văn Thị trấn An Lão là từ 10 - 20 triệu đồng.
Tại sao Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP không cung cấp quyết định xử phạt?
Lý giải về mức phạt ông Nguyễn Văn Toản, Chi cục trưởng chi cục ATVSTP Hải Phòng cho biết do vi phạm lần đầu, lại đang dịch dã nên xử phạt mang tính răn đe. Đối với lỗi sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc do không chứng minh được giá trị là bao nhiêu tiền vì kiểm tra hàng không nhiều nên đã xử lý ở mức thấp nhất, hướng dẫn hoàn thiện thủ tục và giao cho huyện quản lý. Theo ông Toản, Chi cục đã xử phạt và làm báo cáo gửi Sở Y tế. Khi phóng viên ngỏ ý muốn tiếp cận hồ sơ xử lý đối với cơ sở trên để thông tin đến bạn đọc ông Toản nói: “ Không bao giờ dám chuyển quyết định xử phạt cho nhà báo cả, đấy là luật”.
Điều 72 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định các trường hợp phải công bố công khai về việc xử phạt vi phạm hành chính trên thông tin đại chúng gồm: “Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt”. Chiểu theo quy định tại điều 72 Luật xử lý vi phạm hành chính thì hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cần được công khai và không phải là hồ sơ mật.
Tại Khoản 2, khoản 3 Điều 72 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: Nội dung công bố công khai bao gồm cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. Việc công bố công khai được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính.
Phóng viên Tạp chí Thương hiệu và Công luận đang hoạt động đúng theo luật báo chí
Tại điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định: Nhà báo được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc PV Tạp chí Thương hiệu và Công luận đặt lịch, đề nghị Chi Cục ATVSTP Hải Phòng cung cấp hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với cơ sở của bà An Thị Ngân tại 116 Trần Tất Văn, thị trấn An Lão là đúng quy định pháp luật.
Công tác quản lý, phát hiện vi phạm trong lĩnh vực ATVSTP còn chậm
Theo thông tin bạn đọc cung cấp, cơ sở kinh doanh gà rán thương hiệu Five Star của bà An Thị Ngân đã hoạt động được 3 năm. Địa diểm kinh doanh ngay tại thị trấn An Lão cách UBND huyện An Lão nơi có phòng y tế huyện An Lão không xa. Tổng số tiền nhập hàng của cửa hàng từ đơn vị cung cấp từ Tập đoàn C.P. Việt Nam mỗi lần hàng chục triệu đồng. Trung bình 3 ngày/lần, chưa kể các nguyên liệu không phải do Tập đoàn C.P. Việt Nam cung cấp như: đế bánh pizza, gà xé khô, bò khô, lạp xưởng, nem rán, sữa, các chất phụ gia,…. Trải quan 3 năm kinh doanh, hoạt động và phụ trách đào tạo cho các cửa hàng Five Star chuẩn bị mở cửa hàng nhưng 3 năm qua cơ sở này không có Giấy chứng nhận ATVSTP, không có đăng ký kinh doanh. Như vậy, việc áp dụng mức phạt thấp nhất 10,250 triệu đồng có khách quan hay không?
Tòa soạn Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Quỳnh Nga