THCL Việc người ngoại tỉnh quan tâm đến nhà, đất tại Thủ đô, dự kiến sẽ giải quyết tình trạng “tồn kho” tại nhiều dự án BĐS. Tuy nhiên, làn sóng người nhập cư vào Hà Nội cũng sẽ tạo nên những áp lực không nhỏ về hạ tầng đô thị.

Chung cư Hà Nội hút khách ngoại tỉnh: Nửa mừng, nửa lo - Hình 1

Nhà Hà Nội “rộng cửa”…

Quê gốc Quảng Ninh và đã sinh sống tại Hà Nội hơn 10 năm qua, anh Nguyễn Hoàng Long đã quyết định mua một căn hộ tại nhà T9, khu Chung cư Time City, phường Minh Khai (Hai Bà Trưng).

“Mức giá nhà chung cư tại thời điểm chúng tôi mua khá cao, song tôi đã quyết định vay thêm ngân hàng, trả góp vốn và lãi vay hàng tháng bằng thu nhập từ tiền lương để chấm dứt cảnh phải thuê nhà trọ, vừa tốn kém, vừa khó có thể dành dụm tiền để xây dựng gia đình riêng của mình”, anh Long chia sẻ.

Việc mua nhà để sinh sống và làm việc lâu dài tại Hà Nội hiện là lựa chọn của một lượng lớn người ngoại tỉnh đang học tập, làm việc trên địa bàn Thủ đô. Không chỉ những công chức đang làm việc tại các cơ quan, công sở, nhiều gia đình ở ngoại tỉnh có con đang theo học tại các trường ĐH ở Hà Nội cũng đã tính đến việc đầu tư một căn hộ chung cư để phục vụ nhu cầu học tập của các con.

Chị Nguyễn Thị Phượng, quê Chí Linh (Hải Dương) cho biết, sau khi con gái lớn học năm thứ 2 ĐH Y thì con gái thứ hai cũng trúng tuyển ĐH Thủy Lợi. Hai con cùng trọ học xa nhà là cả một bài toán nan giải bởi việc ăn, ở, học tập của các con sẽ khó lòng bảo đảm khi bố mẹ ở quá xa, không tiện nhắc nhở, giám sát. Vì vậy, gia đình đã quyết định mua một căn nhà tập thể tại Khương Thượng (Đống Đa) để các con tiện việc học hành…

Nhu cầu mua nhà Hà Nội để phục vụ học tập, làm việc, thậm chí đầu tư đã khiến nhiều khu chung cư có số cư dân là người ngoại tỉnh lên đến 40 - 50%. Theo các chuyên gia, đây là nguồn khách hàng tiềm năng của các dự án BĐS đang có lượng tồn dư hàng hóa lớn.

Còn đó nỗi lo hạ tầng

Theo đánh giá của Tập đoàn BĐS CBRE, trong quý III, đã có hơn 6.800 căn hộ mới tại Hà Nội được mở bán từ 16 dự án, tăng 14% so với quý II. Khu vực phía tây Hà Nội tiếp tục là nguồn cung chính với 36% số lượng căn hộ mở bán mới.

Phân khúc chung cư trung cấp vẫn chiếm đa số trong các dự án mở bán mới, tuy nhiên, nguồn cung từ phân khúc cao cấp và căn hộ hạng sang cũng tăng lên đáng kể. Cụ thể, có khoảng 3.000 căn hộ từ các phân khúc này được tung ra thị trường trong quý III, chiếm 45% tổng số căn mở bán. Tính riêng trong quý III, có 5.279 căn hộ đã được bán ra, tăng 52% so với quý trước. Như vậy, lượng nhà chung cư bán ra trên thị trường Hà Nội kể từ đầu năm 2016 đến nay, đã đạt tốc độ tăng trưởng trung bình quý là 13%. Trong 3 quý đầu, đã bán tổng số 14.200 căn, trong đó lượng căn hộ trung cấp bán ra chiếm gần 50%.

Những tín hiệu ấm dần của nền kinh tế đã khiến nhiều người quyết định đầu tư vào nhà, đất, qua đó góp phần làm giảm lượng tồn kho tại các dự án BĐS. Thêm vào đó, quy định khá cởi mở về cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất… trên địa bàn thành phố (ban hành theo QĐ số 117/2009/QĐ-UBND ngày 1/12/2009 của UBND TP. Hà Nội) không yêu cầu cá nhân đề nghị GCNQSDĐ, sở hữu nhà phải có hộ khẩu tại Hà Nội, vì vậy, khiến nhiều người ngoại tỉnh có thêm quyết tâm sở hữu một căn hộ tại Hà Nội.

Tuy nhiên, việc một lượng lớn người ngoại tỉnh dịch chuyển vào sinh sống tại nội đô, chắc chắn sẽ tạo ra những áp lực lớn về hạ tầng đô thị.

Tại Đại hội Hiệp hội Các đô thị Việt Nam vừa diễn ra đầu tháng 11 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, một trong những bất cập của các đô thị hiện nay đó là xu hướng tập trung hóa đô thị, phát triển thiếu cân bằng, chênh lệch giữa các vùng, miền. Tình trạng này đã tạo ra các dòng dịch chuyển dân cư, từ đó gây áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, các dịch vụ thiết yếu như nhà ở, y tế, giao thông, giáo dục…

Theo Phó Thủ tướng, nếu không có giải pháp phù hợp, bên cạnh các khu nhà chọc trời, sẽ xuất hiện những khu “ổ chuột’ và không thể có văn minh đô thị. Để các sản phẩm BĐS đến được với nhiều người, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho người dân, DN để phát triển nhà ở xã hội.

Quang Nam