Ông Lộc cho biết, đầu tiên và khó khăn nhất thị trường bị thu hẹp sau khi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Ngoài ra, siết chặt đi lại khiến người lao động không thể đến được nhà máy, công trường… cho nên sản xuất không diễn ra bình thường được.

Tiếp theo là chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, nhiều công ty có hợp đồng, có thị trường nhưng không có nguyên liệu vật tư để sản xuất. Cuối cùng nếu cố gắng duy trì sản xuất dẫn thì chi phí rất lớn, đặc biệt cho chi phí ''3 tại chỗ''.

"Hiệu quả sản xuất giảm sút, doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu khả năng thanh khoản, mất khả năng thanh toán", ông Lộc phân tích.

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2021, có 85.000 doanh nghiệp thành lập mới ,nhưng có tới 90.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường. Đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp rời khỏi thị trường lớn hơn doanh nghiệp thành lập mới.

"94% số doanh nghiệp của chúng ta để bị ảnh hưởng tiêu cực ở những mức độ khác nhau. Theo những khảo sát gần đây, phần lớn các doanh nghiệp khó có thể trụ vững được trong thời gian từ 3-6 tháng tới nếu tình hình không thay đổi", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Chung tay tiếp sức doanh nghiệp trong “bình thường mới”
Chung tay tiếp sức doanh nghiệp trong “bình thường mới”.

Để gỡ khó cho doanh nghiệp, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đề xuất nhóm giải pháp "5T".

Thứ nhất là "trợ thở", ông Lộc nhấn mạnh thực chất đây là việc chúng ta cần mở cửa một cách kiên định và nhất quán.

Khảo sát cho thấy thời gian qua các doanh nghiệp Việt Nam đã bị lỡ mất khoảng 20% cơ hội từ những nhãn hàng lớn. Tuy nhiên may mắn là chúng ta vẫn còn giữ được một số đơn hàng. Chúng ta đang kỳ vọng vào các đơn hàng trong vụ hợp đồng Xuân Hè cũng như Thu Đông 2022.

"Nếu chúng ta khởi động tốt trong quý III này, có thể đảo được tăng trưởng, từ tăng trưởng âm sang tăng trưởng dương trở lại thì lúc đó có cơ hội để phục hồi lại đơn hàng. Nên trong ngắn hạn từ nay đến cuối năm có thể khó khăn về đơn hàng những vụ Xuân Hè, Thu Đông sang năm chúng ta sẽ có cơ hội trở lại", ông Lộc cho biết.

Thứ hai là "tiếp máu",  theo ông Lộc đây là biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội… Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra những gói hỗ trợ tương đối lớn. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần có thêm bổ sung các chính sách hỗ trợ mới.

"Đơn cử như thuế giá trị gia tăng cần mở rộng thêm đối tượng giảm thuế, hay các giải pháp tích hợp về tài khóa, ngân hàng, tiền tệ để tạo tác động cộng hưởng về giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khan", ông Lộc nêu quan điểm. Ông Lộc kiến nghị, Chính phủ cần có thêm ví dụ như là quỹ hỗ trợ bù lãi suất hay bảo lãnh tín dụng cho các ngân hàng. Các biện pháp về tiền tệ, tài khoá, an sinh xã hội theo hướng "tiền tươi thóc thật" đến với người dân, doanh nghiệp là rất quan trọng", ông Lộc nhấn mạnh.

Thứ ba là "thúc đẩy", ông Lộc cho rằng cần nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp không chỉ cần tiền bạc mở cửa, mà họ cần được giúp để tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực.

"Chúng ta tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, chúng ta cung cấp thông tin, tư vấn để nâng cao năng lực của doanh nghiệp", ông Lộc đề xuất.

Thứ tư là cải cách "thể chế", ông Lộc cho rằng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hơn nữa để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp.

Mục tiêu của Việt Nam là trở thành nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất trong khu vực ASEAN. Vì vậy, nếu không nhanh chóng cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh thì không thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy nền kinh tế.

Thứ năm là "tổ chức", ông Lộc nhấn mạnh tầm quan trọng của các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối lại thị trường.

"Giờ chưa nối lại được đường bay thì chúng ta cần đẩy mạnh giao thương qua trực tuyến: kết nối các hiệp hội trong cả nước, cũng như ngoài nước để kết nối doanh nghiệp, thị trường", ông Lộc đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh khẳng định quan điểm muốn phục hồi nhanh phải có sức bật nhưng sức bật phải được "hà hơi tiếp sức" ngay.

Ông Nghĩa dẫn chứng một số ví dụ, như tại Mỹ, để đối phó với COVID-19, Chính phủ nước này đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và dân chúng vào khoảng 5.800 tỷ USD. GDP của Mỹ vào khoảng 20.000 tỷ USD - như vậy Chính phủ Mỹ đã tài trợ cho nền kinh tế 1/4 GDP (27%).

"Mạnh tay hơn Mỹ, Nhật Bản đưa ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân số tiền tương đương trên 60% GDP. Tổng GDP của Nhật Bản là 5.000 tỷ USD - mà nước này hỗ trợ lên đến 3.400 tỷ USD", ông Nghĩa nêu ví dụ.

Theo ông Nghĩa, từ bài học của thế giới và bài học kinh nghiệm năm 2009, chúng ta cần thực hiện gói kích thích về lãi suất nhanh, quy mô đủ rộng. Biện pháp đưa ra cần đơn giản, tiện lợi để nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này.

Trong thư gửi đội ngũ doanh nhân trên cả nước nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, vươn xa hơn nữa.

"Chính phủ đang xây dựng Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đồng thời, triển khai các biện pháp y tế một cách khoa học, an toàn, phù hợp, hiệu quả, nhất là Chiến lược vaccine, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, đưa cuộc sống trở lại bình thường", Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền sẽ đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động nguồn lực, cải cách thủ tục hành chính… tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế.

Trúc Mai