Theo số liệu được công bố, kỳ thi THPT Quốc gia 2018 cả nước có hơn 925.000 thí sinh dự thi. Trong đó, Hà Giang có gần 5.500 thí sinh, tức chỉ chiếm 5,9% số thí sinh cả nước.
Họp báo công bố kiểm tra về điểm thi bất thường tại Hà Giang (Ảnh: Dân Trí)
Tuy nhiên, khi điểm thi được công bố, Hà Giang gây bất ngờ với nhiều kỷ lục, vượt qua cả những địa phương có truyền thống dẫn đầu cả nước về kết quả thi. Đáng kể, cả nước có 76 thí sinh có điểm thi khối A1 đạt từ 27 điểm trở lên, riêng Hà Giang đã có tới 36 thí sinh đạt mức điểm này, chiếm 47,37%. Số thí sinh cả nước đạt trên 27 điểm (Khối A: Toán- Lý- Hóa) là 82 thí sinh, trong đó, riêng Hà Giang chiếm tới 29 thí sinh, tương đương 35,5%.
Với môn thi Vật Lý, toàn tỉnh Hà Giang có 65 thí sinh đạt mức điểm từ 9 điểm trở lên; mặt khác, số thí sinh đạt mức điểm từ 8 đến dưới 9 điểm chỉ là 28. Điều này, mâu thuẫn với quy luật: Những thí sinh đạt mức điểm từ 8 đến dưới 9 phải nhiều hơn thí sinh đạt 9 điểm trở lên. Đặc biệt hơn, mặc dù, có nhiều thí sinh đạt điểm cao nổi trổi nhưng tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay, của Hà Giang chỉ đạt 89,35%, thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Những bất thường trên khiến dư luận không khỏi nghi ngờ có gian lận, tiêu cực điểm thi THPT tại Hà Giang.
Danh sách các thí sinh đạt điểm cao khối A1 tại Hà Giang
Trước sự nghi ngờ của dư luận, báo chí, Bộ Giáo dục & Đào tạo và các cơ quan chức năng đã khẩn trương vào cuộc làm rõ tiêu cực thi THPT tại Hà Giang. Ngày 17/7, con số “chấn động” được công bố, kết quả rà soát điểm thi ở Hà Giang, có tổng cộng 114 thí sinh với 330 bài thi được nâng điểm. Tiêu biểu, có 102 bài thi Toán đã chênh lệch từ 1,0 điểm đến 8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0 điểm; đã công bố là 9,0 điểm). Nổi bật, có không ít thí sinh có tổng điểm chênh lệch lên hơn 20 điểm so với điểm thẩm định. Cá biệt, có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định. Điều này cho thấy, có dấu hiệu nâng cao kết quả thi của thí sinh một cách bất thường.
Xác minh ban đầu, cơ quan chức năng xác định ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang, là người trực tiếp can thiệp kết quả thi của thí sinh. Theo đó, ông Lương được Sở GD&ĐT Hà Giang phân công sử dụng máy tính quét bài thi trắc nghiệm hàng năm. Trong quá trình thi hành nhiệm vụ ông Lương đã can thiệp sửa điểm thí sinh. Người này chỉ mất 6 giây để can thiệp điểm cho 1 thí sinh.
Ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) nhận định hành vi nâng điểm của thí sinh đã vi phạm rất nghiêm trọng quy chế thi. Bộ GD&ĐT kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm cá nhân, tập thể vi phạm. Hiện, sự việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ, củng cố hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật…
Việc gian lận điểm thi vốn không phải chuyện hiếm, thế nhưng, gian lận điểm thi với số lượng lớn tại Hà Giang là vụ việc hiếm có. Vụ tiêu cực khiến không ít thí sinh học thật, thi thật, tôn trọng sự thật bức xúc. Từ câu chuyện điểm thi bất thường tại Hà Giang, người viết chợt nhớ bài học vỡ lòng rèn dạy đức tính “thật thà”.
Biết rằng, từ cấp Tiểu học học sinh đã được các nhà trường giảng dạy về đức tính thật thà. Vậy mà, từ chính môi trường giáo dục lại xảy ra tiêu cực, gian dối từ cán bộ giáo dục. Hành vi gian dối đó có thể xuất phát từ lòng tham hoặc động cơ nào đó, rồi đây sẽ được làm rõ. Nhưng, hành vi đó đã đi ngược chiều và phần nào phủ định bài học về lòng “thật thà”…
Đăng Trình