Vậy trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giải pháp, kịch bản cần chuẩn bị từ sớm, từ xa trong bảo đảm điện năng cho năm 2024 và thời gian tới là gì? Kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề bảo cân đối năng lượng, cách tính giá điện; vấn đề sản xuất, điều tiết vận hành-cung ứng điện; nguyên liệu cho các nhà máy điện vận hành đủ công suất, việc huy động tối đa đa các nguồn phát điện cần được tiến hành như thế nào? Các giải pháp đặt ra để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm điện, nhất là vào các thời kỳ cao điểm ra sao? 

Ảnh EVN.
Chuyên gia kinh tế, tài chính, năng lượng nói gì về cung ứng điện cho năm 2024? Ảnh EVN.

Là sản phẩm hàng hóa đặc thù, được coi như đầu vào của mọi đầu vào, điện năng có vai trò và vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế, bảo đảm đời sống dân sinh, an ninh-quốc phòng của đất nước.

Trong những tháng hè vừa qua, từ việc để thiếu điện cục bộ ở một số nơi, một số địa điểm (khu vực miền Bắc) trong khi nguồn điện không thiếu nhưng do công tác điều hành, điều tiết diện còn có mặt hạn chế đã để lại những hệ lụy, tác động tiêu cực đến một số ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế cũng như niềm tin, chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với ngành điện.

Trong bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ luôn đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề về bảo đảm cân đối điện năng; yêu cầu khắc phục triệt để những khó khăn, vướng mắc của ngành điệnvà nhấn mạnh quan điểm, mệnh lệnh dứt khoát là phải bảo đảm "Đáp ứng đủ nhu cầu về điện năng trong mọi tình huống"; có lộ trình tính đúng, tính đủ để có giá điện bán ra phù hợp trong nền kinh tế thị trường;…

TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Hoạt động điều hành điện của năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt và sẽ căn cơ

Trong báo cáo ngày 23/10 của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, một trong 12 nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong năm 2024 là vấn đề công tác truyền thông và bảo đảm thông tin. Qua sự kiện thiếu điện cuối tháng Năm và đầu tháng Sáu năm 2023, chúng tôi nhận định: Thứ nhất, những người làm công tác dự báo của chúng ta là không lường hết được, bởi chúng ta biết rằng ở miền Bắc giữa tháng Năm bao giờ cũng có lũ tiểu mãn, giải quyết vấn đề mọi năm chúng ta đặt ra là thiếu nước cho phát điện nhưng năm nay thì không có.

Vấn đề thứ hai là chúng ta cũng không lường được giá nhiên liệu của thế giới trong 06 tháng đầu năm 2023 diễn biến phức tạp đến như thế. Đấy là 02 yếu tố khách quan ảnh hưởng đến điện.

Chính vì không lường được 02 yếu tố khách quan ấy mà khi xây dựng phương án điều độ điện của năm 2023, A0 đồng ý cho các nhà máy nhiệt điện, trong đó có nhà máy nhiệt điện than và nhà máy nhiệt điện chạy khí và dầu, vào chu kỳ bảo dưỡng.

Một cái nữa là chúng ta có gần 80 GB điện. Đấy là công suất lắp đặt chứ chưa phải là công suất hoạt động. Một nhà máy nhiệt điện, giờ hoạt động 1 năm không phải là cả 365 ngày và thường một nhà máy nhiệt điện chạy tốt thì tối đa đến 6.500 giờ. Còn lại là điện năng lượng tái tạo, cỡ khoảng 2.000 giờ. Ở đây, như anh Hồi nói, chúng ta thiếu nguồn điện nền nên mới dẫn đến kịch bản thiếu. Đó là nguyên nhân tôi muốn bổ sung thêm ý kiến của anh Hồi.

Tôi thấy hoạt động điều hành điện của năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt và sẽ căn cơ.

Trước hết chúng ta phải nói bài toán về giá điện là bài toán kinh tế sinh hoạt, cho nên nó phải đáp ứng được cả các nhu cầu kinh tế và cả các yêu cầu về kỹ thuật. Nhưng ở đây kỹ thuật chi phối kinh tế nên đòi hỏi những kiến thức kỹ thuật rất sâu, và một trong những trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Công Thương là phải truyền thông rộng rãi việc đó.

Một trong những kiến nghị đầu tiên là trong những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024, chúng ta phải đảm bảo truyền thông về giá điện một cách khách quan, trung thực, phản ánh đúng thực trạng của ngành điện Việt Nam. Ở đây chúng ta đang có một sự nhầm lẫn là đánh đồng EVN với ngành điện nên tất tần tật chúng ta đều tập trung vào EVN. Đấy cũng là một trong những cái chúng ta phải làm rõ. Trước đây 20 năm ngành điện là chủ EVN, nhưng sau 20 năm chúng ta thực hiện đổi mới, ngành điện và EVN đã tách ra.

Kiến nghị thứ hai là chúng ta chưa làm rõ được giữa phân phối hay tập trung hóa, hay là phi tập trung hóa nguồn điện sản xuất. Hiện nay chúng ta đang tập trung hóa một số vùng, ví dụ như năng lượng mặt trời, chúng ta quá tập trung ở miền Trung, năng lượng than và thủy điện thì tập trung ở phía bắc, còn ở phía nam là hỗn hợp vừa khí, vừa than, vừa thủy điện. Thế nên phải giải được bài toán giữa tập trung và phân tán của ngành điện, vì nếu phân tán thì chúng ta sẽ giảm được phí truyền tải, giảm được rất nhiều chi phí đầu tư cho lưới. Nhưng nếu tập trung như bây giờ thì sẽ phải tính thêm phí đầu tư truyền tải vào giá thành của 1 kW điện.

Chuyên gia kinh tế, tài chính, năng lượng nói gì về cung ứng điện cho năm 2024? Ảnh EVN.
Chuyên gia kinh tế, tài chính, năng lượng nói gì về cung ứng điện cho năm 2024? Ảnh EVN.

Thứ ba, chúng tôi kiến nghị phải hạch toán đúng. Hạch toán đúng ở đây là phải hạch toán đúng phần hỗ trợ vào sản lượng điện và thực hiện an sinh xã hội. Chúng ta phải tính đầu tiên bán được 1 kW điện là phải thu về được 2.200 đồng, trong đó Nhà nước thực hiện hỗ trợ EVN 1.000 đồng vì EVN là doanh nghiệp nhà nước; hạch toán trên sổ của EVN vẫn có khoản thu đó, nhưng không tính được. Lúc đó, chúng ta mới đảm bảo tính được đầy đủ hạch toán của giá điện. Hạch toán phải ban hành được giá FiT theo vùng, miền và theo loại hình sản xuất, sử dụng năng lượng, sử dụng nhiên liệu, để tránh tình trạng hiện nay là chúng ta quá yêu bảo vệ môi trường, quá yêu việc thực hiện phát thải bằng 0, nên tỉnh nào cũng đề nghị không xây dựng nhà máy nhiệt điện than. Không có nguồn điện nền thì lấy đâu ra năng lượng tái tạo trong khi chúng ta đã bỏ nhiệt điện nguyên tử một thời gian sau sự cố Fukushima.

Thứ tư chúng tôi kiến nghị là phải tính truyền tải vào trong chi phí và tổng mức đầu tư như là tổng sơ đồ điện VIII dự kiến vì tổng mức đầu tư của đường truyền tải, đặc biệt đường 500 KV vô cùng lớn. Nếu chúng ta không tính vào và có cơ chế TTP để thực hiện thì không thể thu hút được các nhà đầu tư.

Tôi có may mắn được tham gia xây dựng từ sơ đồ điện 6 đến bây giờ. Trước đây chúng tôi tính hệ số co giãn, cứ 1% tăng trưởng GDP thì phải có tăng trưởng điện cỡ khoảng 2%. Đến bây giờ do khoa học công nghệ phát triển, 1% tăng trưởng GDP, tăng trưởng điện cỡ 1,4-1,5%. Bốn năm vừa qua đủ điện là vì dịch bệnh kéo dài, không ai sản xuất, tăng trưởng kinh tế chỉ có 3-4%, nên chúng ta mới đủ điện. Nếu chúng ta tăng trưởng 7% thì bài toán về phát triển nguồn gặp khó khăn kinh khủng. Trong chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đã báo cáo rất rõ những vấn đề này, hy vọng Chính phủ và Thủ tướng sẽ có quyết định sớm về chỉ đạo điều hành điện trong 2024.

PGS.TS. Bùi Xuân Hồi Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc: Cần trả giá điện về đúng theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Chính phủ:

Thời gian vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những nỗ lực trong việc chỉ đạo ngành điện. Tuy vậy, chúng ta cũng phải thành thật là ngành vẫn còn những bất cập.

Bất cập rất nhiều, từ quy hoạch đến tổ chức quy hoạch ở cả 03 khâu: sản xuất, truyền tải và phân phối. Tôi xin tập trung nhấn mạnh vào các điểm mà bản thân tôi đã nghiên cứu sâu.

Về mặt cơ cấu, giá thành, cung ứng điện gồm có 4 phần: sản xuất, truyền tải, phân phối và bán lẻ. Riêng phần sản xuất đang chiếm 70-80% cơ cấu giá thành. Phần nguồn điện, cơ bản hiện nay, các biến động của đầu vào sẽ dẫn đến biến động của nguồn điện.

Các phần còn lại, từ truyền tải, đến phân phối, đến bán lẻ, giá điện do Chính phủ quy định và thẩm quyền là của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy chúng tôi luôn mong muốn và kỳ vọng là cơ chế điều chỉnh giá của Chính phủ mang hơi hướng, tín hiệu của thị trường.

Giai đoạn vừa qua là giai đoạn rất đặc thù, chúng ta vừa trải qua thời kỳ dịch  COVID-19, vì vậy thời lượng, chu kỳ điều chỉnh giá chúng ta chưa thực sự đảm bảo theo tín hiệu của thị trường. Đặc biệt sau COVID-19, chúng ta lại bị biến động theo thị trường của thế giới, như chúng ta đã biết, nhiên liệu đầu vào của ngành điện là thị trường mang tính chất quốc tế. Nếu như giá xăng dầu trên thế giới biến động thì Việt Nam cũng biến động tương tự.

Rõ ràng, giá dầu, giá xăng, giá khí đốt tăng trong khi chúng ta đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô dẫn tới ngành điện hoạt động tương đối khó khăn. Chúng tôi rất kỳ vọng, sau COVID-19 rồi, chúng ta cần trả giá điện về đúng theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Chính phủ, để đảm bảo ngành hàng ổn định và nền kinh tế hoạt động ổn định.

Chuyên gia kinh tế, tài chính, năng lượng nói gì về cung ứng điện cho năm 2024? Ảnh EVN.
Chuyên gia kinh tế, tài chính, năng lượng nói gì về cung ứng điện cho năm 2024? Ảnh EVN.

Những bất cập đó gây ra những hệ quả như thế nào thì chúng ta cũng đã biết. Chúng ta cố gắng giữ giá, chỉ tăng giá 3% trong vòng 4 năm thì cái được của chúng ta là đảm bảo an sinh và đảm bảo mục tiêu vĩ mô khác. Những rủi ro có thể không đến ngay, nhưng chỉ cần thiếu điện ở miền Bắc trong thời gian rất ngắn thì theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chúng ta đã thiệt hại lên đến 1,4 tỷ USD. Do đó, chúng ta phải cân nhắc rất rõ, rất kỹ lưỡng bài toán điều tiết giá điện, phản ánh hơi hướng của thị trường, để đảm bảo ngành phát triển bền vững, và từ đó nền kinh tế mới phát triển bền vững và an sinh xã hội mới được đảm bảo.

Trước hết, tôi xin chia sẻ, ngành điện và sản phẩm điện năng vốn dĩ là ngành kinh tế kỹ thuật không như những ngành khác, để thông qua một đoạn phỏng vấn, một đoạn trích dẫn mà có thể hiểu được.

Ví dụ, công suất của chúng ta là 80 MGW, và nhu cầu của chúng ta khoảng 40 MGW thì tại sao lại thiếu điện? Thực sự không phải như thế! Thiếu là thiếu thực sự.

Tôi chia sẻ để chúng ta dễ hình dung, chúng ta có 80.000 GW, trong đó có khoảng 25.000 GW là điện mặt trời và điện gió, đến 6 giờ tối là mất 20.000 GW rồi vì có chạy được đâu. Chúng ta hiểu 80 GW là công suất đạt, còn công suất hữu dụng, có thể sử dụng được chắc chắn ở nhiều thời điểm chúng ta thiếu. Đó là sự thật, thừa công suất nhưng vẫn thiếu điện.

Bất cập ở đây là nguồn điện, phần nguồn điện đưa vào sử dụng không đúng kỳ vọng, không theo đúng kịch bản quy hoạch điện. Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 nếu như không có đợt thiếu điện vừa rồi thì cũng không biết đến bao giờ đưa vào sử dụng được. Đó là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong năm 2024, mệnh lệnh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải đảm bảo an ninh cung cấp điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Chúng ta tìm mọi cách để kịch bản thiếu điện không xảy ra, chúng ta đang cố gắng đến phần nguồn điện ở miền Nam, chúng ta đang cố gắng xây dựng thật nhanh đường truyền tải điện, kỳ vọng thêm một phần nguồn điện dôi dư từ miền Trung ra. Đó là nỗ lực của Chính phủ, có thể thực hiện được và có thể cân đối được. Chúng ta cũng cần nghĩ đến định hướng chung, ví dụ phát triển các nguồn tái tạo, ngay lập tức chúng ta có thể xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển giá điện ở khu vực miền Bắc.

Trước đây khi làm giá TiF, chúng ta làm giá TiF cho 03 miền theo bức xạ, dẫn đến nhà đầu tư họ sẽ chỉ tập trung vào khu vực có hiệu quả kinh tế cao.

Bây giờ thiếu điện ở khu vực miền Bắc và trong chủ trương phát triển năng lượng tái tạo rải đều phần nguồn điện ra thì nên chăng chúng ta thực hiện cơ chế hỗ trợ để phát triển năng lượng tái tạo ở miền Bắc, cho phép giảm bớt tổn thất, đáp ứng phần nào nguồn.

Với phương án của năm 2024, ngoài nỗ lực đưa nhanh các nhà máy, đường dây truyền tải vào thì cũng nghĩ đến các phương án nhập khẩu và chuẩn bị kỹ lưỡng điều kiện kỹ thuật để nhập khẩu điện. Từ đó chúng ta mới lên được bài toán tổng thể là đưa nguồn lưới vào được bao nhiêu, những cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo ở miền Bắc được bao nhiêu và bài toàn nhập khẩu như thế nào, để đảm bảo cung ứng điện cho năm 2024.

Như tôi vừa chia sẻ, những dự án rất lớn không dễ triển khai kiểu đốt cháy giai đoạn. Tôi nghĩ rằng bản thân ngành điện, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, một số nhà đầu tư đã nhận mệnh lệnh cố gắng hết sức nhưng phải có những phương án trong điều kiện những dự án đó có thể không vào đúng tiến độ vì rất nhiều lý do. Phải luôn có những phương án dự phòng khác để đảm bảo năm 2024 kịp có các nguồn khác để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của cả nền kinh tế.

PGS.TS. Ngô Trí Long: Đối với một lĩnh vực độc quyền do Nhà nước quyết định, chúng ta tính toán đầy đủ chi phí, tính đúng, tính đủ, tính hợp lý và kịp thời để đủ bù đắp chi phí, có mức lãi nhất định

Nguồn tiềm năng về điện của chúng ta không thiếu, thủy điện, năng lượng tái tạo, có tất cả điều kiện để phát triển. Nhưng thời gian vừa qua, đặc biệt năm 2023, thời điểm tháng Năm và tháng Sáu, chúng ta thiếu điện cục bộ. Có mấy nguyên nhân dẫn đến thiếu điện cục bộ.

Thứ nhất là do hiện tượng thủy văn không đáp ứng được nguồn cung ứng điện cho thủy điện. Trong nguồn điện của chúng ta, đặc biệt với miền Bắc, có 02 nguồn quan trọng là nguồn thủy điện và nguồn nhiệt điện. Thế mà nguồn thủy điện do ảnh hưởng của thủy văn nên nước không đủ cung cấp. Còn đối với nhiệt điện, do sự cố cũng như một số hiện tượng dẫn đến thiếu điện. Nhưng một trong những yếu tố quan trọng là cuối tháng Năm, đầu tháng Sáu là thời điểm nắng nóng cục bộ, nhu cầu điện tiêu tốn. Từ những vấn đề đó dẫn đến hiện tượng thiếu điện.

Trong đầu tư một số nguồn điện, giá là một điểm nghẽn rất quan trọng. Chúng ta biết điện là một lĩnh vực độc quyền, Nhà nước quy định giá. Hiện nay trên thị trường năng lượng của chúng ta, có 02 mặt hàng hết sức quan trọng với vấn đề an ninh năng lượng, đó là điện và xăng dầu. Những lĩnh vực này, ngành này, Nhà nước quy định giá.

Ảnh EVN.
Ảnh EVN.

Đối với ngành điện, Nhà nước, Chính phủ hết sức quan tâm, luôn coi trọng điện là một nguồn đầu vào quan trọng, tác động tới mọi mặt của nền kinh tế. Nhưng điều hành giá điện ngoài theo cơ chế thị trường, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta, cần phải có sự điều tiết của Nhà nước. Vậy Nhà nước cần phải điều tiết ở chỗ nào? Thứ nhất điều tiết ở chính sách an sinh xã hội, thứ hai nhằm phục vụ cho mục tiêu kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh đó, việc điều tiết giá điện có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng, cũng như các bộ ngành có liên quan. Như TS. Kiên có nói, đầu nhiệm kỳ của Chính phủ mới, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng trực tiếp phụ trách lĩnh vực đã đi thị sát cụ thể và tìm những nguyên nhân khắc phục các dự án chậm tiến độ.

Với sự chỉ đạo sát sao như vậy, tại sao nguồn cung ứng điện vẫn thiếu cục bộ trong tháng Năm và tháng Sáu? Ở đây, chúng ta thấy được một bài học rất lớn: Phải đẩy nhanh tiến độ nhưng nếu chỉ trên nóng mà dưới còn lạnh thì không thể triển khai được dù Thủ tướng và Chính phủ hết sức quyết tâm. Vướng mắc phải xem nguyên nhân từ đâu, nguyên nhân chủ quan, khách quan.

Vấn đề thứ hai là đảm bảo dự trữ nhiên liệu đầu vào. Chúng ta thấy nguồn nhiệt điện chiếm tỉ trọng tương đối lớn mà nguồn than trong nước thì hạn chế, có mức độ, chúng ta phải nhập. Cho nên chúng ta phải dự phòng, dự báo được, để tránh hiện tượng có những cú sốc.

Đặc biệt, trong vấn đề điều độ vận hành hệ thống điện. Hệ thống A0 trước kia thuộc EVN, như trong một trận đá bóng, trọng tài thuộc về đội đó thì có nên hay không? Cho nên vừa qua, Chính phủ có quyết định sáng suốt chuyển A0 về Bộ Công Thương.

Đấy là những bài học kinh nghiệm chúng ta phải khắc phục trong thời gian tới. Khi quyết định giá, phải tính đúng, tính đủ, kịp thời. Đúng, đủ nhưng phải 03 năm sau mới 'kịp thời' thì không nên. Trong tình hình như vậy, theo quan điểm cá nhân tôi, đối với một lĩnh vực độc quyền do Nhà nước quyết định, chúng ta tính toán đầy đủ chi phí, tính đúng, tính đủ, tính hợp lý và kịp thời để đủ bù đắp chi phí, có mức lãi nhất định, như vậy mới có nguồn cung ứng đảm bảo. Kinh nghiệm ngành điện của bang Carlifornia, Mỹ, có thời kỳ giữ vị thế độc quyền. Chính quyền quy định giá quá thấp so với giá thị trường, doanh nghiệp thua lỗ không thể tồn tại, không thể phát triển được, dẫn đến thiết hụt điện. Đây là một bài học cực kỳ quan trọng.

Ở đây không phải vì thiếu điện cục bộ, thời gian ngắn trong năm 2023 mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải sớm xây dựng kịch bản. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm đến vấn đề điện, điện có vai trò hết sức quan trọng. Kinh tế thị trường là phải xuất phát từ cầu, từ nhu cầu của thị trường, xác định nguồn cung.

Kịch bản xây dựng nguồn cung cho thị trường điện năm 2024 cũng xuất phát từ nguyên lý đó. Cho nên Chính phủ yêu cầu kịch bản sớm về nguồn cung để bám sát nhu cầu dân sinh cũng như nhu cầu nền kinh tế. Theo quan điểm cá nhân tôi, không phải là sớm vì tránh hiện tượng "nước đến chân mới nhảy", cực kỳ nguy hiểm. Điện là ngành sản xuất do đó chúng ta cần quá trình lâu dài. Cho nên yêu cầu xây dựng một kịch bản sớm và cụ thể là một yêu cầu cấp thiết, cần thiết, tránh hiện tượng có những sự cố xảy ra như năm 2023. Đây là việc làm đúng, cần thực thi theo chỉ đạo này.

Một trong những vấn đề quan trọng nữa là tiềm năng năng lượng tái tạo của chúng ta rất lớn, mà theo cam kết của Thủ tướng tại COP26 chúng ta phải phát triển để đến năm 2050 là Net-zero. Để thực thi điều này tôi nghĩ phải có cơ chế về giá, có nên cao bằng hay không, có tính lại giá FiT hay không? Cái này còn phụ thuộc vào lưu lượng gió cũng như năng lượng mặt trời của từng vùng Bắc-Trung-Nam khác nhau, chúng ta tính theo giá như thế nào. Đây là vấn đề thứ ba chúng ta cần xem xét.

Vấn đề thứ tư theo tôi nghĩ là chúng ta nên áp dụng giá điện 2 thành phần. Điều này có ý nghĩa quan trọng, sẽ tạo điều kiện khuyến khích sử dụng điện và phản ánh một cách chính xác nhất.

Vấn đề thứ năm, hiện nay Chính phủ và các cơ quan chức năng đang đưa ra để xây dựng biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc, hiện đang tiến hành cải cách làm sao cho phù hợp. Biểu giá điện sinh hoạt phải bảo đảm gì? Thứ nhất theo nguyên tắc: Điện khi nhu cầu tăng rất cao nhưng nguồn cung ứng có hạn, mà nguồn cung ứng đó chủ yếu lấy từ nguồn nguyên liệu khoáng thạch hữu hạn, cho nên phải tính toán làm sao biểu giá điện phải hạn chế sử dụng và tiết kiệm nhất nguồn điện. Hay trong biểu giá điện đó phải bảo đảm vấn đề an sinh xã hội, với 6 bậc như vậy đã hợp lý chưa hay giá điện theo biểu luỹ tiến? Một đặc thù của ngành điện là cung không đáp ứng cầu để khuyến khích sử dụng năng lượng, đồng thời bảo đảm chính sách an sinh xã hội. Điện khác với những mặt hàng khác, càng mua nhiều thì giá càng rẻ.

Ở đây là càng dùng nhiều, giá càng đắt cho nên dùng phương pháp luỹ tiến, chúng ta nên xem xét lại. Xây dựng biểu giá điện mới sao cho hợp lý, bảo đảm mục tiêu. Đây là một bài toán. Một vấn đề hết sức quan trọng hiện nay theo quan điểm cá nhân tôi về giá điện là làm sao phải tính đúng, tính đủ, tính kịp thời. Thêm nữa là cần phải tách bạch giữa điện công ích và điện sản xuất kinh doanh cho rõ ràng. Đó là những vấn đề cần xử lý trong thời gian tới để làm sao ngành điện tồn tại và phát triển, hoạt động một cách thực sự, bảo đảm nguồn cung ứng điện đầy đủ.

PV (t/h)