Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy, GDP thực tế quý I/2025 tăng trưởng 6,93% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng UOB cho rằng mức tăng này thấp hơn dự báo của UOB và thị trường với khoảng 7,1%; cũng như so với quý IV/2024 là 7,55%.

Theo các chuyên gia của UOB, hoạt động thương mại và đầu tư nhìn chung vẫn duy trì sắc thái tích cực trong quý. Tuy nhiên, thị trường đã dồn sự chú ý vào vấn đề thuế quan khi sự kiện “Ngày Giải phóng” vào ngày 2/4 từ Mỹ đã chi phối hoàn toàn tâm lý thị trường thời điểm đó.
“Ngày 2/4 Mỹ áp mức thuế đối ứng 46% đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đã gây chấn động toàn cầu. Mức thuế này cùng với nhiều mức thuế đối ứng được công bố trong ngày hôm đó có mức cao hơn nhiều so với dự báo trước đó. Ngay cả Singapore - quốc gia có hiệp định thương mại tự do song phương với Mỹ cũng bị áp mức thuế cơ bản 10%”, chuyên gia tại UOB dẫn chứng.
Đồng thời cho biết: Thời điểm đó chuyên gia UOB cũng đã hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2025 và 2026 trên toàn cầu, nhằm phản ánh tác động tiêu cực mạnh mẽ đối với thương mại và dòng vốn đầu tư quốc tế. Riêng với Việt Nam, UOB đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng 2025 xuống còn 6,0% (từ mức 7,0% trước ngày 2/4), so với mức 7,09% đạt được trong năm 2024. Trước đó, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2025 là “ít nhất 8%” đồng thời kỳ vọng đạt tăng trưởng hai chữ số trong giai đoạn 2026 - 2030.
Theo UOB, hoạt động kinh tế đã khởi sắc trở lại nhờ giai đoạn tạm hoãn thuế 90 ngày, với kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu trong tháng 4 tăng mạnh hơn kỳ vọng so với cùng kỳ năm trước, lần lượt đạt mức 20% và 23%. UOB cho rằng đà tăng này chủ yếu đến từ việc các doanh nghiệp đẩy mạnh giao dịch trước thời điểm kết thúc thời gian hoãn áp thuế. Xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ tăng mạnh 34% so với cùng kỳ, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng I/2024.
Trong bối cảnh bất định quanh chính sách thuế quan, Ngân hàng này giữ quan điểm thận trọng về triển vọng Việt Nam, do nền kinh tế phụ thuộc lớn vào thương mại, với xuất khẩu chiếm khoảng 90% GDP. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch. Bên cạnh đó, xuất khẩu còn tập trung cao vào các ngành chủ lực như điện - điện tử, nội thất, dệt may và giày dép (chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ).
“Cột mốc quan trọng tiếp theo sẽ là ngày 9/7, khi thời hạn tạm hoãn 90 ngày dự kiến kết thúc. Việt Nam hiện đang tiến hành đàm phán thương mại với Hoa Kỳ, với vòng đàm phán thứ hai đã diễn ra từ ngày 19 - 22/5; vòng tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào “cuối tháng 6””, các chuyên gia UOB cho biết.

Do đó, trong báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý II/2025 mới nhất được công bố, UOB duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 6,0% trong năm 2025 và 6,3% năm 2026. Riêng trong quý II và quý III năm 2025, tăng trưởng GDP dự kiến đạt lần lượt 6,1% và 5,8%.
Về chính sách tiền tệ, các chuyên gia UOB nhận định: Lạm phát tại Việt Nam đã phần nào hạ nhiệt, ở mức khoảng 3,1% so với cùng kỳ trong cả tháng 3 và tháng 4 năm nay; giảm so với mức trung bình 3,6% trong năm 2024 và 3,26% trong năm 2023; đồng thời vẫn thấp hơn mục tiêu 4,5%.
Trong bối cảnh hiện nay, UOB dự báo NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách, với lãi suất tái cấp vốn duy trì ở mức 4,50%. “Nếu điều kiện kinh doanh trong nước và thị trường lao động suy yếu nghiêm trọng, chúng tôi kỳ vọng NHNN có thể hạ lãi suất tái cấp vốn một lần xuống mức thấp trong thời kỳ Covid-19 là 4,00%, sau đó có thể tiếp tục giảm thêm 50 điểm cơ bản xuống còn 3,50%, với điều kiện thị trường ngoại hối vẫn ổn định và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện cắt giảm lãi suất”, chuyên gia UOB nhận định.
Về tỷ giá, Ngân hàng UOB cho rằng, đồng Việt Nam (VND) là một trong những đồng tiền suy yếu nhiều nhất trong khu vực kể từ sau “Ngày Giải phóng”, giữa bối cảnh các đồng tiền Châu Á nhìn chung đang phục hồi trong quý II/2025. Dự báo, tỷ giá USD/VND trong thời gian tới sẽ là 26.300 trong quý III/2025; 26.100 trong quý IV/2025; 25.900 trong quý I/2026; 25.700 trong quý II/2026.
PV (t/h)