Năm 2021, gia đình bà Mai mua thêm một lô đất, nhưng 3 năm nay không thể làm hồ sơ tách sổ, sang tên đổi chủ thành (làm sổ hồng đất ở) vì cơ quan chức năng vẫn không cho phép người dân làm hồ sơ hiến đất làm đường để đủ điều kiện có đường mới tách được sổ.
Theo bà Mai, quy định về đất đai này không hợp lý. Tại địa phương, nhiều gia đình bố mẹ đã nhiều tuổi, có nhu cầu tách đất cho con, nhưng không thể đạt được nguyện vọng, hoặc nhiều người có nhiều đất ở, muốn tách sổ ra sang nhượng cho người khác để phục vụ nhu cầu cuộc sống mà đều không được cho phép.
Bà Mai đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm có giải pháp hợp lý, hướng dẫn cụ thể để địa phương giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân.
Ảnh minh họa
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Bộ Tài nguyên và Môi trường xin chia sẻ với những vướng mắc, bất cập mà bà Mai gặp phải khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Tuy nhiên, để giải quyết thủ tục hành chính đối với trường hợp cụ thể của bà cần căn cứ vào nguồn gốc đất đai và hồ sơ địa chính được quản lý và lưu trữ tại địa phương. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường không có cơ sở để trả lời cụ thể về tình huống mà bà nêu ra.
Để bảo vệ quyền lợi của mình đề nghị bà liên hệ với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương để được xem xét giải quyết.
Tuy nhiên, tại thời điểm bà Mai hỏi, căn cứ Luật Đất đai 2013, bà có thể tham khảo thêm các quy định đó là:
Tại Điểm i Khoản 1 Điều 99 Luật Đất đai quy định Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho trường hợp người sử dụng đất tách thửa, hợp thửa; nhóm người sử dụng đất hoặc các thành viên hộ gia đình, hai vợ chồng, tổ chức sử dụng đất chia tách, hợp nhất quyền sử dụng đất hiện có.
Tại Khoản 2 Điều 143 Luật Đất đai quy định căn cứ vào quỹ đất của địa phương và quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, UBND cấp tỉnh quy định hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương.
Tại Khoản 4 Điều 144 Luật Đất đai quy định UBND cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị và quỹ đất của địa phương quy định hạn mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở đối với trường hợp chưa đủ điều kiện để giao đất theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở.
Theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 6 Điều 95 Luật Đất đai, đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận mà thực hiện quyền tặng cho quyền sử dụng đất thì thuộc trường hợp đăng ký biến động đất đai và trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động.
Trình tự, thủ tục thực hiện tặng cho quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định tại Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Như vậy, pháp luật về đất đai không quy định việc người dân "hiến" một phần đất để làm đường công cộng mà quy định đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế thì được tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước; tặng cho quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng; tặng cho nhà tình nghĩa gắn liền với đất theo quy định của pháp luật. Trường hợp người sử dụng đất không có nhu cầu sử dụng đất thì trả lại cho nhà nước theo quy tại Điểm c Khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai.
Đề nghị bà liên hệ với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
H. Thủy(Nguồn: chinhphu.vn)