Theo đó hiện nay, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Chính phủ giao cho Bộ Công an chủ trì. Dự án có mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, từ vốn ngân sách nhà nước, thời gian thực hiện trong 2 năm, đã bắt đầu triển khai từ tháng 11/2017.
Mục tiêu xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư, phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu chính đáng của công dân; góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính giấy tờ công dân, xây dựng chính phủ điện tử.
(Ảnh minh họa)
Thực hiện Luật Căn cước công dân năm 2014, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an về việc triển khai xây dựng dự án, đến nay, Tổng cục Cảnh sát đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tập trung hoàn thiện các điều kiện để triển khai dự án như hoàn thiện hành lang pháp lý; lựa chọn nhà thầu; thí điểm xây dựng hệ thống quản lý dân cư tại TP. Hải Phòng; thí điểm thu thập thông tin dân cư và thí điểm triển khai phần mềm đăng ký quản lý cư trú; xây dựng phần mềm để triển khai kết nối giữa hệ thống cấp Căn cước công dân (CCCD) và hệ thống cấp số định danh cá nhân quốc gia.
Tính đến thời điểm này, dự án được triển khai tại các thành phố trực thuộc Trung ương. Thông qua cấp CCCD, cơ quan chức năng đã cấp khoảng hơn 10 triệu số định danh cá nhân cho công dân tại 16 địa phương trên toàn quốc.
Lãnh đạo Bộ Công an khẳng định, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, vì đây là nền tảng trong hệ thống các cơ sở dữ liệu của quốc gia, là tập hợp thông tin cơ bản nhất của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý hạ tầng bằng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tại hội nghị trực tuyến về triển khai xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới đây, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã nêu rõ, trên cơ sở hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không chỉ thay thế cho quản lý hộ tịch mà đạt được yêu cầu dùng chung thống nhất cho các bộ ngành như lý lịch tư pháp, bảo hiểm xã hội, thuế...
Đạt được yêu cầu đó chính là đáp ứng cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các loại giấy tờ, là niềm mong đợi và kỳ vọng của nhân dân trong việc xây dựng một nhà nước kiến tạo, chính phủ điện tử, giảm phiền hà cho người dân.
Lãnh đạo Cục Quản lý dữ liệu quốc gia về dân cư cho biết, khi xây dựng dự án, cơ quan chức năng đã tham khảo, nghiên cứu thông tin, cách làm từ nhiều quốc gia trên thế giới. Một vấn đề được đề cập là các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp khi sử dụng khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ phải trả phí khi hệ thống này hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Và việc trả phí này do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện, người dân không phải trả tiền.
Theo Luật Phí và lệ phí tới đây, Bộ Công an sẽ quản lý dữ liệu này và tiến hành thu phí. Còn căn cứ vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm quản lý dân cư trên địa bàn và được phép ban hành giá dịch vụ. Các đơn vị như phòng công chứng, ngân hàng… có thể truy xuất dữ liệu này và trả phí.
Người dân, khi tham gia các dịch vụ này sẽ không phải đem theo chứng minh thư và giấy tờ liên quan mà chỉ cần cung cấp mã số cá nhân để các đơn vị này truy xuất trên mạng, thì sẽ ra các thông tin cần thiết. Điều này, vô cùng tiện lợi cho người dân, đỡ phải làm nhiều thủ tục, đỡ phải mang theo nhiều giấy tờ.
Bảo Ngọc