Ngày 17/03, tại thành phố Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh năm 2023.
Phát biểu chào mừng hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chỉ ra rằng, Quảng Ninh phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt từ những khó khăn sau 3 năm đại dịch Covid-19 cộng hưởng với các khó khăn, bất ổn của thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả thu hút đầu tư, tiến độ và khả năng hoàn thành các dự án mới phát triển sản phẩm du lịch; gây thiếu hụt đáng kể nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, lao động được đào tạo có kỹ năng.
Mặc dù rất có lợi thế nhưng các sản phẩm, dịch vụ du lịch biển Quảng Ninh chưa thật sự bền vững và chưa chiếm được vị trí quan trọng, trung tâm, dài ngày và độc lập trong các chương trình du lịch Việt Nam của các hãng lữ hành quốc tế; còn nhiều tài nguyên du lịch biển đảo có giá trị nổi bật nhưng chưa phát triển được sản phẩm tương xứng.
Tuy nhiên, Quảng Ninh đang kiên trì, nhất quán thực hiện chủ trương phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh là yêu cầu xuyên suốt trong các chính sách, chiến lược, quy hoạch. Đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn kết hợp chặt chẽ với công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và phát triển kinh tế biển, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là ở các khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.
Từ nay đến năm 2030, tập trung củng cố vị thế là đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế, thu hút du khách quanh năm, từ khắp năm châu, trở thành một điểm đến “không thể bỏ lỡ” khi đến Việt Nam…
Đồng quan điểm với tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Con đường phát triển của ngành du lịch Quảng Ninh là khoa học, bài bản”.
Để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới, tỉnh cần có định hướng mới, phù hợp tình hình, theo hướng "Sản phẩm du lịch phải đặc sắc, chất lượng cao, điểm đến an toàn, thân thiện" dựa trên ba trụ cột là tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng; các di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu của dân tộc và bản sắc văn hóa độc đáo của 22 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn.
Đồng thời tỉnh cần phát triển và làm mới các sản phẩm du lịch kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, mang đậm bản sắc các sản phẩm truyền thống và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ luôn ủng hộ và đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh trong việc định hướng và tháo gỡ những khó khăn trong quá trình phát triển du lịch để du lịch Quảng Ninh sớm thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và đóng góp quan trọng vào sự phát triển du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Song song với đó, tỉnh Quảng Ninh cần tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng đẩy mạnh kết nối vùng miền, kết nối với cả nước và kết nối với khu vực, bảo đảm đồng bộ, liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch gắn với phát triển xanh, bền vững; đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch đa dạng, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao. Phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả, thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch.
Bộ trưởng đề nghị hội nghị cần tập trung bàn các giải pháp xây dựng thương hiệu, tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch Quảng Ninh bám sát định hướng marketing Du lịch Việt Nam đã được Bộ VH,TT&DL ban hành.
Chú trọng giải pháp quản lý điểm đến, đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch Quảng Ninh trên cơ sở khai thác lợi thế tài nguyên Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, các di tích quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, giải trí trên địa bàn tỉnh hướng tới xuất khẩu văn hóa.
Bên cạnh đó, tăng cường liên kết thúc đẩy du lịch nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ; hướng đến phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới, gắn kết với các trung tâm du lịch lớn của cả nước và các nước trong khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á thông qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và đường biển qua Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.
Qua đó, hướng đến xây dựng du lịch Quảng Ninh nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung phát triển mạnh mẽ theo hướng ‘‘Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh - Điểm đến an toàn - Người dân thân thiện’’ và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.
Tại hội nghị, tỉnh Quảng Ninh cũng đã công bố 04 dòng sản phẩm du lịch: Du lịch biển đảo; du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch biên giới, tận dụng thế mạnh về tài nguyên tự nhiên và văn hóa. Đồng thời, ký kết các thỏa thuận hợp tác với Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai.
Các doanh nghiệp, hiệp hội cũng đã quyết tâm và cam kết cùng chung tay phát triển du lịch nói riêng, phát triển kinh tế địa phương và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp nói chung.
Trần Trang