Ngày 23/4, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN). Sự kiện do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì, được kết nối với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công an; đại diện các cục, vụ chức năng thuộc Bộ Công Thương.
Hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp |
Theo Cục Công thương địa phương, thời gian qua công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp đã từng bước có bước chuyển mạnh mẽ và đạt được những kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp; đóng góp cho ngân sách cũng như GDP, tạo mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ cá thể mở rộng và phát triển sản xuất và có điều kiện đầu tư công nghệ mới kết hợp với công nghệ cổ truyền sản xuất các mặt hàng mới phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu; tạo điều kiện xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề, đồng thời giải quyết nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động ở khu vực nông thôn; góp phần bảo vệ môi trường… Đặc biệt đã góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước “ly nông bất ly hương” và xây dựng nông thôn mới.
Với vai trò là cơ quan quản lý ngành, Bộ Công Thương đã tham mưu, nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý, phát triển cụm công nghiệp, trong đó phải kể đến Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP.
Tuy nhiên, quá trình việc triển khai thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP đã gặp vướng mắc, khó khăn do chưa đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành như Luật Đầu tư, Xây dựng, pháp luật Đất đai,… và một số nội dung, quy định của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP về phương án phát triển CCN; điều kiện thành lập, mở rộng CCN; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển CCN; xử lý CCN hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg, … cũng cần được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung lại cho phù hợp với yêu cầu quản lý CCN và các yêu cầu mới.
Tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển bền vững các CCN được ở các văn bản như: Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta 10 năm 2011-2020, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị |
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, đồng thời hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, phát triển CCN; đảm bảo quy hoạch, phát triển CCN bền vững, trật tự, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; kịp thời tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN (Nghị định số 32/2024/NĐ-CP), thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP.
Nghị định số 32/2024/NĐ-CP gồm 7 Chương và 38 Điều. Bên cạnh quy định chung, Nghị định quy định Phương án phát triển, thành lập, mở rộng CCN; Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, trong đó quy định về việc xác định chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; trình tự đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của CCN; quy hoạch chi tiết xây dựng CCN; quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích; quyền của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN.
Nghị định cũng quy định về đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN bao gồm tiếp nhận dự án đầu tư vào CCN; thuê đất, cấp giấy phép xây dựng trong CCN; quyền của tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN; quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Nghị định cũng đưa ra các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển CCN.
Về công tác quản lý nhà nước đối với CCN, Nghị định quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước về CCN của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành; quyền hạn, trách nhiệm cụ thể của Bộ Công Thương và các Bộ khác liên quan (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công an), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Công Thương và Ủy ban nhân dân cấp huyện…
Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện Cục Công Thương địa phương cũng thông tin, phổ biến về một số nội dung cơ bản trong Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 32/2024/NĐ-CP; một số nội dung Nghị định số 43/2024/NĐ-CP ngày 19/4/2024 quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ mới được ban hành.
H. Thủy (Nguồn: https://dangcongsan.vn/)