Năm 2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chọn chủ đề năm là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”. EVN phấn đấu đến hết năm 2022 cơ bản chuyển đổi thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số. Thực hiện kế hoạch của EVN, thời gian qua, PC Hòa Bình là một trong những đơn vị đi đầu của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) trong việc ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số vào quản lý, vận hành lưới điện. Trong đó, nổi bật là việc đưa vào hoạt động Trung tâm Điều khiển xa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lãnh đạo PC Hòa Bình cho biết: Trước đây, khi hệ thống lưới điện bị sự cố, các nhân viên kỹ thuật tại các Trạm biến áp phải thông qua phản ánh của khách hàng hoặc dò tìm thủ công để xác định nguyên nhân và khoanh vùng sự cố, xây dựng phương án xử lý nên mất nhiều thời gian. Chưa kể, với cách làm thủ công như trước đây, khi có sự cố cần cắt điện, đóng điện thì cán bộ kỹ thuật của ngành điện phải thao tác trực tiếp trên các thiết bị điện tại các trạm biến áp rất nguy hiểm, nhất là trong điều kiện thời tiết xấu như bão, lũ. Giờ đây, với công việc như vậy thì cán bộ điện không phải thực hiện nữa khi PC Hòa Bình đã đưa vào vận hành hệ thống Trung tâm Điều khiển xa. Với hệ thống này, không chỉ đảm bảo an toàn cho cán bộ, công nhân viên làm việc trực tiếp mà việc phát hiện, xử lý sự cố nhanh nên cấp điện trở lại nhanh hơn cho khách hàng.

Ngoài đưa vào vận hành Trung tâm Điều khiển xa, bà Trần Thị Út - Trưởng phòng kinh doanh PC Hòa Bình cho biết: Công tác chuyển đổi số được PC Hòa Bình triển khai toàn diện các lĩnh vực và đã đạt được những kết quả thiết thực. Đến nay, PC Hòa Bình đã thực hiện số hóa toàn bộ quá trình nghiệp vụ kinh doanh, hồ sơ khách hàng; cung cấp các dịch vụ điện bằng phương thức điện tử đạt 95%; lắp đặt công tơ đo xa tự động đạt 32%; lập hóa đơn điện tử đạt 100%; thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 38%. Công ty phấn đấu đến hết năm 2021 sẽ thực hiện số hóa hợp đồng mua bán điện sinh hoạt đạt 100%.

Việc đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi giúp tiếp cận được nhiều khách hàng trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Với các công cụ mới như EOFFICE 3.0, bộ phận mềm quản lý Kỹ thuật Gis, Pmis, quản lý phiên làm việc, quản lý sự cố lưới điện, các công cụ kiểm soát thông số lưới điện từ xa, phần mềm quản lý kinh doanh, ghi chốt chỉ số từ xa đã góp phần không nhỏ tăng hiệu quả làm việc, cắt giảm chi phí vận hành. Đặc biệt tạo điều kiện để các cán bộ công nhân viên có thời gian, sức khỏe để tiếp tục sáng tạo, cải tiến quá trình sản xuất kinh doanh.

Bà Trần Thị Út cho biết thêm, không chỉ đem lại hiệu quả thiết thực với ngành điện, việc triển khai chuyển đổi số cũng đem lại những lợi ích đối với khách hàng. Theo đó, khách hàng không mất thời gian đi đến các điểm giao dịch để thực hiện các yêu cầu về dịch vụ điện; các thủ tục, hồ sơ được công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ kiểm tra, không phải lưu trữ nhiều hồ sơ giấy tờ liên quan. Khách hàng có thể thanh toán tiền điện mọi lúc, mọi nơi, không phải chờ đợi, không sợ quên hay nhầm lẫn. Đồng thời, khách hàng có thể tra cứu thông tin sử dụng điện, hóa đơn, chỉ số công tơ bất cứ lúc nào.

Thúy Nga