Theo Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08/11/2013, thị trường điện của Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ: Cấp độ 1: (đến hết năm 2014) - tiếp tục thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh; Cấp độ 2 (2015-2021) - Thị trường bán buôn điện cạnh tranh; Cấp độ 3 (từ 2021) - Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Mỗi cấp độ được thực hiện theo hai bước thí điểm và hoàn chỉnh.

Lộ trình thị trường điện Việt Nam (Nguồn: Theo Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg)
Lộ trình thị trường điện Việt Nam (Nguồn: Theo Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg).

Ngày 01/07/2016, Công ty Nhiệt điện Mông Dương chính thức tham gia thị trường điện phát điện cạnh tranh (VCGM) theo quy định của Bộ Công Thương. Sau hơn 05 năm tham gia thị trường, Công ty đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như tổng sản lượng điện sản xuất bình quân hàng năm vượt hơn 6 tỷ kWh/năm, tương đương mức doanh thu bình quân 8.100 tỷ đồng/năm, và lợi nhuận bình quân thu được từ thị trường điện các năm đạt gần 68 tỷ đồng/năm.

Với nguyên tắc chào giá theo chi phí biến đổi, tận dụng các lợi thế sẵn có về trang thiết bị, công nghệ hiện đại, chi phí nhiên liệu thấp…, khi tham gia thị trường điện Nhà máy đã chủ động hơn trong việc tính toán, lập lịch vận hành, bảo dưỡng thiết bị và cân nhắc các thời điểm nên dừng tổ máy về dự phòng hay tiếp tục vận hành để đảm bảo an toàn thiết bị mà vẫn đảm bảo doanh thu cho Nhà máy.

Thực tế vận hành trong các năm qua cho thấy, vào mùa mưa các năm khi nhu cầu phụ tải hệ thống thấp, các nhà máy thủy điện xả lũ nhưng với phương án chào giá hợp lý, nhà máy vẫn duy trì vận hành ít nhất 01 tổ máy, để đảm bảo kế hoạch sản lượng sản xuất được giao. Ngoài ra, khi tham gia thị trường điện cạnh tranh, nhà máy cũng gặp không ít khó khăn trong việc đảm bảo tỷ lệ khả dụng tổ máy để không bị điều chỉnh sản lượng hợp đồng dẫn tới việc giảm doanh thu do các nguyên nhân chủ yếu như: sự cố kéo dài, tiến độ sửa chữa theo kế hoạch không đáp ứng tiến độ, hay như mới đây là tình trạng thiếu nhiên liệu hay nhiệt độ nước làm mát tăng cao….

Bước sang năm 2022, phụ tải hệ thống có dấu hiệu tăng trưởng trở lại khi các hoạt động kinh tế - xã hội dần trở về trạng thái bình thường mới và dự báo phụ tải sẽ tăng trưởng 8% so với năm 2021. Bên cạnh đó, so với năm 2021, giá trần thị trường của năm 2022 tăng từ 1.503,5 đồng/kWh lên 1.602,3 đồng/kWh, tương tự giá CAN bình quân cũng tăng từ 150,7 đồng/kWh lên 379,4 đồng/kWh.

Tuy nhiên, công tác tham gia vận hành thị trường điện của Công ty Nhiệt điện Mông Dương vẫn tiềm ẩn những nguy cơ về nhiên liệu đầu vào và sự phát triển nóng của các nguồn năng lượng tái tạo, khi mà do ảnh hưởng bởi tình hình chính trị thế giới đã kéo giá nhập khẩu than, dầu tăng cao và thời tiết nắng nóng kéo dài dẫn tới thừa nguồn cục bộ khu vực Miền Nam trong khung giờ ban ngày.

Công ty Nhiệt điện Mông Dương
Công ty Nhiệt điện Mông Dương.

 Đối mặt với những thuận lợi và khó khăn trên, ngay từ đầu năm 2022, Ban Lãnh đạo Công ty Nhiệt điện Mông Dương đã chủ động thực hiện các giải pháp khắc phục các sự cố bục đường ống áp lực lò hơi để nâng cao độ tin cậy của thiết bị bằng việc thay mới các đường ống bằng chất liệu chống mài mòn tốt hơn. Đồng thời triển khai thực hiện các giải pháp nhằm giảm tự dùng và suất hao của tổ máy để nâng cao hiệu quả vận hành thiết bị.

Tiếp tục cập nhật các thông tin trong thị trường điện, để đưa ra các giải pháp, điều chỉnh chiến lược chào giá cụ thể trong thị trường cho các thời điểm khác nhau nhằm thu được lợi nhuận tối đa. Với tín hiệu về giá thị trường tháng 02/2022 tăng cao (bình quân giá thị trường tháng 02 đạt 1.206 đồng/kWh), Công ty Nhiệt điện Mông Dương kỳ vọng về kết quả tham gia thị trường điện trong thời gian sắp tới sẽ gặt hái được nhiều thành công.

Trần Mạnh