Theo một nguồn tin PV có được, công ty TNHH S.C Johnson & Son Việt Nam hiện nằm trong danh sách các đơn vị liên quan đến hóa chất cháy nổ mà Sở Y tế tỉnh Bình Dương thanh tra trong thời gian tới…

Bình xịt côn trùng Raid còn hạn sử dụng, bị cháy đenBình xịt côn trùng Raid còn hạn sử dụng, bị cháy đen

Như báo TH&CL đã đăng tải nhiều bài viết: “TP.HCM: Bình xịt côn trùng bốc cháy, người dân hoảng loạn” đăng ngày 17/2, “Bình xịt côn trùng bốc cháy, nhà sản xuất phớt lờ người tiêu dùng” đăng ngày 21/2 và bài “Bình xịt côn trùng Raid mua tại Siêu thị BigC tự bốc cháy, NTD không biết cầu cứu ai?” đăng ngày 6/3.

Theo đó, ngày 15/2 gia đình ông Lê Đình Đ. (ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) phản ánh bình xịt côn trùng hiệu Raid thể tích 600ml, không mùi, công dụng diệt ruồi, muỗi, kiến, gián dùng trong gia dụng đã bất ngờ bốc cháy trong nhà ông. Sự việc xảy ra nhưng may mắn gia đình ông Đ. phát hiện kịp thời, khống chế không để “bà hỏa” lan rộng.

Ông Đ. bức xúc: “Tại sao tôi đã thực hiện theo đúng hướng dẫn, cảnh báo của sản phẩm trên bình xịt khi sử dụng nhưng sản phẩm vẫn gây nguy hiểm như vậy. Nếu không phát hiện kịp thời, không biết chuyên gì sẽ xảy ra với gia đình tôi và hàng xóm”.

Tại thời điểm cháy nổ, mọi rủi ro “khách hàng tự chịu”, còn trách nhiệm của Nhà sản xuất (NSX) không có, vì tất cả thông tin liên lạc cũng như các số điện thoại chăm sóc khách hàng, điện thoại bàn in trên bao bì sản phẩm của công ty TNHH S.C Johnson & Son đều không liên hệ được. Người tiêu dùng đã phản ánh sự việc đến báo chí.

Sau khi TH&CL đăng tải những thông tin trên, thì liên tiếp có nhiều người tự xưng tên Hạnh, Trang… là nhân viên thuộc một đơn vị đại diện truyền thông tại Việt Nam cho công ty TNHH S.C Johnson & Son… gọi điện xin làm việc qua điện thoại với phóng viên, với lý do “đại diện của công ty S.C Johnson & Son ở bên Mỹ, còn công ty sản xuất tại Việt Nam không có đại diện”…

Gần đây nhất, ngày 13/3, Văn phòng phía Nam báo TH&CL nhận được email được cho là của Công ty TNHH S.C Johnson & Son gửi đến và giới thiệu bà Nguyễn Thị Thiên Thanh – Giám đốc điều hành công ty Edelman Việt Nam là đối tác truyền thông liên hệ xin số điện thoại. Tuy nhiên, không thể hiện được trách nhiệm đối với sản phẩm "bình xịt côn trùng bốc cháy" và sự quan tâm nào đến người tiêu dùng.

Bình xit côn trùng để ở nơi thoáng mát nhưng vẫn bốc cháy, suýt gây hỏa hoạn tại gia đình ông Lê Đình Đ.Ông Lê Đình Đ. phản ảnh bình xit côn trùng bốc cháy, suýt gây hỏa hoạn lớn tại gia đình, nhưng nhà sản xuất, siêu thị BigC  nơi ông mua hàng đều "phớt lờ" thông tin

Trao đổi với PV về sự việc trên, Luật sư Trần Công Phượng – Đoàn Luật sư TP.HCM nhấn mạnh: Khi nhận được phản ánh từ bạn đọc về việc “bình xịt côn trùng tự bốc cháy”, Công ty TNHH S.C.Jonhson & Son là doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất sản phẩm trên tại Việt Nam cần phải ghi nhận, kiểm tra vụ việc tại hiện trường, và có thể đề nghị nhà cấp li–xăng (sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn) tại nước ngoài hỗ trợ thêm.

Đặc biệt, doanh nghiệp tại Việt Nam là đơn vị sản xuất sản phẩm có những nghĩa vụ làm việc trực tiếp với phản ánh khách hàng. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, thì doanh nghiệp phải có người đại diện theo pháp luật để đại diện cho doanh nghiệp, trong các trường hợp không có mặt tại Việt Nam quá 30 ngày thì phải ủy quyền cho người khác thực hiện việc đại diện cho doanh nghiệp.

Việc thực hiện quyền người tiêu dùng và việc phát hiện lỗi dẫn đến vụ cháy nổ được điều chỉnh trong nhiều văn bản pháp luật như: Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá 2007; Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, Bộ Luật dân sự,..

hhhhhhhhhhhhhSản phẩm xịt côn trùng bán nhiều trong siêu thị BigC - Phú Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM) 

“Nếu chưa xác định được nguyên nhân bình diệt côn trùng tự phát cháy thì tất cả các chủ thể có liên quan (nhà sản xuất, nhà phân phối, người sử dụng) đều phải thông tin đến các bên để ghi nhận, theo dõi, kiểm tra lại lô sản xuất, vận chuyển và bảo quản trong quá trình phân phối,... và việc xuống hiện trường để kiểm tra, ghi nhận để tìm ra nguyên nhân.

Quan trọng nhất là nhà sản xuất phải ghi nhận, thống kê, kiểm tra thực tế hiện trường, sản phẩm tự bốc cháy. Trước khi tìm ra nguyên nhân của vụ việc thì nhà sản xuất phải có những lưu ý thực tế việc sử dụng. Nhiều sản phẩm không tìm ra lỗi nhưng thực tế ghi nhận không ít trường hợp xảy ra sự cố cháy nổ (pin điện thoại, máy tính, bộ xạc pin...) thì người tiêu dùng được nhận biết các rủi ro để phòng chống. Ngược lại, nếu không tìm ra nguyên nhân của sự việc, không ghi nhận thông tin mà sau đó nhiều vụ việc tương tự xảy ra thì không loại trừ lỗi của nhà sản xuất và chính nhà sản xuất đó không công bố sản phẩm, thậm chí là họ muốn nhưng cũng không tìm ra lỗi cụ thể (nguyên nhân từ sản phẩm gây ra sự cố)” – Luật sư Trần Công Phượng cho hay.

Trước thực tế trên, dư luận quan tâm cho rằng, động thái thờ ơ của nhà sản xuất và siêu thị BigC (đơn vị bán sản phẩm bình xịt bốc cháy) thể hiện rõ sự vô trách nhiệm đối với sản phẩm đang phân phối trên thị trường. Phải chăng các đơn vị này chỉ quan tâm lợi nhuận, chưa coi trọng người tiêu dùng?

Sự việc là thực trạng chung của người tiêu dùng Việt Nam, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ cơ quan chức năng, nhưng thực tế cũng đang bị bỏ ngỏ?

Ngày 19/3, tại buổi làm việc với phóng viên, ông Trần Văn Tùng - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương cho rằng, việc kiểm tra chất lượng thành phần, quy trình sản xuất đạt chuẩn hay không là do Sở y tế Bình Dương có trách nhiệm thanh kiểm tra cụ thể dây chuyền sản xuất, hóa chất, thành phần nguyên liệu sản phẩm. Cục quản lý thị trường sẽ vào cuộc khi có công văn đề nghị phối hợp công tác của cơ quan chức năng quản lý. “Hiện Sở Y tế tỉnh cũng có văn bản gửi Cục Quản lý thị trường tỉnh đề nghị phối hợp thanh kiểm tra một số đơn vị sản xuất liên quan đến hóa chất trên địa bàn tỉnh, trong đó có công ty TNHH S.C Johnson & Son”.

Quỳnh Hương - Nguyễn Kiên