Viên bổ thảo mộc G-Star đang lưu thông trên thị trường có chứa chất cấm Phenolphtalein, Công ty Fusi cho rằng Công ty Anpha Gold đã làm giả nhãn mác, sản phẩm để bánViên bổ thảo mộc G-Star đang lưu thông trên thị trường có chứa chất cấm Phenolphtalein, Công ty Fusi cho rằng Công ty Anpha Gold đã làm giả nhãn mác, sản phẩm để bán

Cụ thể, nội dung báo cáo số 58 ngày 27/5/2020 của Cục QLTT Hà Nội nêu rõ: Làm việc với Đoàn kiểm tra (Đội QLTT số 27), ông Dương Hưng Thịnh, Phó Giám đốc Công ty Fusi đã cung cấp cho Đoàn các giấy tờ liên quan đến hoạt động của Công ty gồm Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Chứng nhận đạt yêu cầu “Thực hành sản xuất tốt” GMP thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty Fusi.

Ngày 02/10/2019, Công ty Fusi đã ký hợp đồng sản xuất một lô sản phẩm duy nhất “Viên bổ thảo mộc G-Star” cho Công ty TNHH dược và mỹ phẩm Anpha Gold (Công ty Anpha Gold) địa chỉ tầng 5, số 47 Thanh Liệt, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội với số lượng 3.420 hộp (số lô: 012019, NSX: 16112019, HSD: 15112022), đã được Cục An toàn thực phẩm cấp đăng ký công bố chất lượng sản phẩm viên bổ thảo mộc G-Star số 12239/ĐKSP ngày 31/10/2019 cho Công ty Anpha Gold. Công ty Fusi đã xuất hết lô sản phẩm duy nhất đó cho Công ty Anpha Gold.

“Trước thông tin báo chí phản ánh đối với các sản phẩm “Viên bổ thảo mộc G-Star” đang lưu thông trên thị trường có chứa chất cấm Phenolphtalein, Công ty Fusi cho rằng Công ty Anpha Gold đã làm giả nhãn mác, sản phẩm để bán”, nội dung báo cáo của Cục QLTT Hà Nội nêu.

Cũng theo báo cáo số 58, ngày 22/5/2020, Đội QLTT số 27 phối hợp với Đội QLTT số 7, Cục QLTT Hà Nội, Công an xã Thanh Liệt và đại diện UBND xã Thanh Liệt xác minh tại địa chỉ số 47 Thanh Liệt, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Tại thời điểm xác minh, Đoàn kiểm tra ghi nhận không có Công ty Anpha Gold hoạt động và không treo biển hiệu tại địa chỉ trên và cũng không có đơn vị nào đang thuê mặt bằng.

Liên quan tới việc này, bà Lê Thị Thanh, chủ nhà số 47 Thanh Liệt, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết, trước đây, từ khoảng tháng 9/2019, bà có cho Công ty Anpha Gold thuê toàn bộ mặt bằng tầng 5 ngôi nhà để hoạt động tuy nhiên từ tháng 3/2020, Công ty Anpha Gold đã chuyển đi không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ này.

Có thể nói, từ những gì mà Cục QLTT thông tin cho thấy rõ những dấu hiệu sản xuất và kinh doanh hàng giả của Công ty Anpha Gold. Liệu việc làm này có liên quan tới Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ C Star hay không vẫn là câu hỏi chưa lời đáp?. Trong trường hợp vi phạm thì cơ quan chức năng xử lý hai công ty này như thế nào?

Tuy nhiên, khá ngạc nhiên khi quá trình xác minh của lực lượng QLTT lại không hề nhắc nhắc tới kết quả làm việc với đơn vị chịu trách nhiệm của sản phẩm cũng như đơn vị phân phối sản phẩm Viên bổ thảo mộc G – Star. Vậy, với những nghi ngờ về chất lượng sản phẩm sẽ được trả lời như thế nào và ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Ở một khía cạnh khác, để làm rõ hơn về vấn đề này, ngày 22/5/2020, PV cũng đã liên hệ làm việc với Cục ATPP Bộ Y tế nhưng tới nay vẫn không nhận được phản hồi nào từ phía cơ quan này. Ở đây, trách nhiệm hậu kiểm sản phẩm của Cục ATTP ra sao khi mà báo chí phản ánh dòng sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe L – Star và Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên bổ thảo mộc G – Star.

Tại sao với độ "hot" và những lời cam kết chất lượng cũng như khẳng định doanh thu khủng từ chính những người thuộc Công ty C Star sau khi báo chí phản ánh thì 2 dòng sản phẩm này bỗng dưng "chìm" khỏi thị trường kinh doanh online như vậy? Hay sau khi bị báo chí phanh phui sự thật thì chính đơn vị chịu trách nhiệm công bố chất lượng sản phẩm và đơn vị phân phối 2 sản phẩm này là đã buông bỏ, không kinh doanh dòng sản phẩm này nhằm né tránh trách nhiệm ?

 Hải Minh