CTCP Hitas - Văn phòng đại diện tại Thanh Hoá: Phát hành thẻ mua hàng theo mô hình đa cấp - Hình 1

Ông Trịnh Đình Tuyết với chiếc thẻ thành viên. Ảnh: X.H

Đó là chiếc bánh vẽ, là một trong những phương thức hoạt động của CTCP Hitas - Văn phòng đại diện tại Thanh Hoá.

Văn phòng đại diện CTCP Hitas tại Thanh Hoá có trụ sở tại lô 17-18 MBQH 2072 phường Đông Hương, TP. Thanh Hoá được Sở KHĐT Thanh Hoá cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động ngày 10/5/2017, thay đổi lần đầu ngày 21.8.2017, người đứng đầu là ông Trịnh Đình Tuyết. Văn phòng này là đơn vị trực thuộc CTCP Hitas có trụ sở tại 86C đường Tây Hoà, phường Phước Long A, quận 9, TP.Hồ Chí Minh. Công ty này do ông Võ Thanh Sang làm Tổng giám đốc.

Nhận được nhiều phản ánh của người dân, PV trong vai người mua hàng đã đến cửa hàng tiện ích mang tên “Rẻ kinh khủng” tại địa chỉ tầng 1 VP đại diện. Chỉ cần loanh quanh mua hàng, hỏi giá, khách hàng nào cũng được nhân viên bán hàng nhanh chóng chào mời, giới thiệu sơ lược mô hình kinh doanh được gọi là tiên tiến, nhân văn và mời lên tầng 2 để được tư vấn rõ hơn.

Tại tầng 2 của VP, khách hàng sẽ được các nhân viên tận tình tư vấn, chia sẻ chiến lược kinh doanh. Tại đây, PV đã được tư vấn viên Hoàng Mạnh Cường tận tình hướng dẫn. Theo đó, để tham gia vào hệ thống kinh doanh này, trước hết, khách hàng phải thực hiện mở thẻ thành viên với các mức 300.000 đồng, 500.000 đồng và 800.000 đồng. Với mức 300 nghìn đồng, thành viên sẽ được mua hàng với giá được hệ thống này quảng bá là giá gốc trong thời hạn 6 tháng; 500 nghìn đồng thời hạn 12 tháng và 800 nghìn đồng thời hạn 24 tháng. Số tiền này chỉ là phí mở thẻ thành viên. Tuy nhiên, nếu sau khi mở thẻ, người tham gia mời chào, giới thiệu được người thứ 2 mở thẻ (gọi là đời thứ nhất - F1) thì người tham sẽ được hưởng lợi nhuận 25% và 5% cho đời thứ 2 (F2), và cứ thế, F3: 4%; F4: 3%. Nếu tham gia gói VIP sẽ được hưởng 0,4% từ đời thứ 5 (F5) tới đời thứ 10 (F10).

Theo phân tích của vị trưởng phòng kinh doanh tại 1 buổi hội thảo mà PV tham dự ngay sau đó, 1 viễn cảnh kiếm tiền rất dễ dàng được đưa ra. Cụ thể là, bài toán 3 ngày bán 1 thẻ 500 nghìn đồng, 1 tháng sẽ bán được 10 thẻ cho 10 người thì lợi nhuận sẽ thu được ở đời thứ nhất (F1) là 1,4 triệu đồng/tháng, đời thứ 2 (với điều kiện 10 người trước đó bán cho 10 người khác) thì thu nhập sẽ là 2,5 triệu/tháng, và cứ thế, đời 3 sẽ là 20 triệu/tháng, đời 4 sẽ là 150 triệu và đời 5 với số lượng 100.000 thẻ, người phát hành ban đầu sẽ nhận được 2 tỉ/tháng.

Đó là chính sách phát hành thẻ theo mô hình đa cấp. Càng mời được nhiều người tham gia càng thu được nhiều lợi nhuận. Dù được giới thiệu tiện ích của chiếc thẻ thành viên này là được mua hàng giảm giá trong chuỗi cửa hàng tiện tích của Hitas trên toàn quốc, được nghe gọi miễn phí giữa các thành viên trong hệ thống nhưng thực chất, việc mua hàng giảm giá không phải mục đích chính, vì hàng hoá ở cửa hàng tiện ích này đơn sơ, đa số là hàng cũ, nhiều mẫu mã đã phai, có mặt hàng không ghi rõ nguồn gốc nơi sản xuất, hết hạn sử dụng và cũng chưa ai chứng minh là hàng hoá ở đây đúng giá gốc của nhà sản xuất.

Bà N.T.N - một người tham gia nói thẳng: “Bán hàng chỉ là cái cớ thôi, chủ yếu là phát hành thẻ”. Nhiều người tham gia hội thảo, tìm kiếm cơ hội cũng với mục đích phát hành thẻ để hưởng hoa hồng theo mô hình trên. Còn việc nghe gọi miễn phí được ông Trịnh Đình Tuyết - giám đốc chi nhánh - quảng bá là ngang với Zalo, Facebook thì đang ở… thì tương lai.

Với cách phát hành 1 chiếc thẻ nhựa đơn giản, CTCP Hitas đang thu khoản tiền lớn từ khách hàng và tạo ra chuỗi chào mời, huy động tiền theo mô hình đa cấp. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ tính hợp pháp của việc phát hành thẻ mua hàng như trên.

Theo Lao Động