LTS: Những tác động tiêu cực từ việc kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng mang lại cho xã hội là không nhỏ, không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, mà còn làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính.
Mặc dù vấn nạn này đang được các cấp các ngành liên tục đấu tranh, triệt phá, tuy nhiên thực trạng hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn đang diễn ra một cách công khai, đặc biệt là vùng nông thôn.
Sau loạt bài phản ánh nhiều cửa hàng, siêu thị bán hàng nhái, hàng không nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Nam Định “bủa vây” người tiêu dùng, xuất bản ngày 8/03/2022 (https://thuonghieucongluan.com.vn/nam-dinh-nhieu-cua-hang-sieu-thi-ban-hang-nhai-hang-khong-nguon-goc-bua-vay-nguoi-dung-a164596.html ) và bài Mập mờ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa “lòe” người tiêu dùng tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, lực lượng chức năng có biết?, xuất bản ngày 16/03/2022 trên tạp chí điện tử Thương hiệu và Công luận (https://thuonghieucongluan.com.vn/ky-2-map-mo-nguon-goc-xuat-xu-hang-hoa-tai-huyen-truc-ninh-luc-luong-chuc-nang-co-biet-a165504.html,) phản ánh tình trạng một số cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh Nam Định trưng bày và bán hàng hóa tiêu dùng có dấu hiệu vi phạm là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định.
Ngay sau khi chuỗi bài viết được đăng tải, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Nam Định đã vào cuộc, bước đầu xử lý một số điểm vi phạm. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại thị trấn Cổ Lễ, thực trạng vi phạm hàng hóa vẫn diễn ra như chưa hề có cuộc thanh kiểm tra của lực lượng chức năng. Tòa soạn Thương hiệu và Công luận xin tiếp tục gửi tới Qúy độc giả những ghi nhận mới nhất tại một siêu thị nằm trên địa bàn thị trấn Cổ Lễ, nhằm cung cấp cho độc giả góc nhìn khách quan về thực trạng đang diễn ra trên địa bàn này.
Lực lượng Quản lý thị trường gấp rút vào cuộc
Để tiếp tục xác minh, làm rõ các dấu hiệu vi phạm trên của một số cơ sở kinh doanh hàng hóa trên địa bàn tỉnh này, ngày 29/03/2022, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã có buổi làm việc với lãnh đạo Cục QLTT Nam Định. Tại buổi làm việc ông Lê Ngọc An, Phó Cục trưởng phụ trách Cục QLTT tỉnh Nam Định cho biết: Sau khi tiếp nhận thông tin báo chí phán ánh, lực lượng QLTT tỉnh đã vào cuộc kiểm tra và bước đầu phát hiện một số địa điểm vi phạm.
Cụ thể, tại siêu thị Go, thành phố Nam Định, lực lượng chức năng phát hiện 02 cơ sở kinh doanh hàng hóa vi phạm, tịch thu hàng hóa và xử lý vi phạm hành chính với số tiền lên đến hơn 35 triệu đồng; trên địa bàn huyện Trực Ninh lực lượng chức năng cũng phát hiện có 01 cơ sở kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu vi phạm kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và lực lượng QLTT tỉnh đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu hàng hóa vi phạm với tổng giá trị là 15,5 triệu đồng.
“Quan điểm của lãnh đạo QLTT tỉnh Nam Định là chỉ đạo toàn lực lượng kiên quyết và xử lý nghiêm minh đối với các vụ việc vi phạm, không có ngoại lệ và không có vùng cấm”, ông Lê Ngọc An nhấn mạnh.
Sau bị Quản lý thị trường kiểm tra, cửa hàng vẫn công khai bày bán đồ vi phạm, tệ hại hơn, còn bày bán cả đồ đã hết hạn sử dụng (trước đó không có)
Ngày 11/04, phóng viên tiếp tục “mục sở thị” những nơi mà tạp chí phản ánh và ông Lê Ngọc An, Phó Cục trưởng phụ trách Cục QLTT tỉnh Nam Định khẳng định là đã kiểm tra và phát hiện một số điểm vi phạm, thì bất ngờ phát hiện tại đây, vẫn xảy ra vi phạm như chưa từng có cuộc kiểm tra.
Cụ thể, ở bài phản ánh lần trước, phóng viên đã từng khảo sát tại một số điểm kinh doanh lớn trên địa bàn thị trấn Cổ Lễ như: Siêu thị Quang Phát - Quang Phát Mart; Shop thời trang Trọng Mão; cửa hàng túi xách Tùng Anh... cùng nằm trên đường Hữu Nghị, thị trấn Cổ Lễ. Trong đó, nổi bật nhất là siêu thị Quang Phát.
Đây được coi là điểm bán đồ dùng thiết yếu lớn nhất thị trấn Cổ Lễ, đáp ứng nhu cầu mua sắm của đông đảo người dân địa phương với hàng ngàn mặt hàng đủ chủng loại được bày bán. Khách ra vào tấp nập, nhân viên hối hả chuyển hàng từ kho lên kệ bán hàng.
Cũng tại bài phản ánh lần trước, phóng viên ghi nhận khu hàng trưng bày sản phẩm nhập ngoại, các sản phẩm được nhân viên giới thiệu là ngoại nhập bao gồm: Bánh, kẹo, nước giải khát, sản phẩm thực phẩm khô,... đều không hề có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Ngoài các sản phẩm thiết yếu, siêu thị này còn “cài” thêm cả mặt hàng tã, bỉm, mỹ phẩm, thậm chí là thực phẩm chức năng ngoại. Tất cả đều không hề được dán nhãn phụ bằng tiếng Việt trên sản phẩm, rất “tù mù” về thông tin, nguồn gốc sản phẩm khiến người mua hàng như lạc vào mê hồn trận khi muốn tìm hiểu về những sản phẩm này.
Tưởng rằng, khi có lực lượng QLTT phụ trách khu vực huyện Trực Ninh vào cuộc kịp thời, thường xuyên theo dõi bám sát những hoạt động kinh doanh trong khu vực, tình trạng vi phạm về hàng hóa sẽ giảm đáng kể. Nhưng, thời điểm phóng viên có mặt tại siêu thị Quang Phát vào ngày 17/04 mới đây cho thấy, hoạt động của siêu thị vẫn diễn ra bình thường, chủng loại hàng hóa vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại. Thậm chí, còn thêm "hạng mục" vi phạm là đồ hết hạn sử dụng vẫn được bày bán trang trọng trên kệ.
Cụ thể, tại quầy bánh kẹo, nước giải khát vẫn còn nguyên những mặt hàng ngoại nhập không có tem nhãn tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đáng chú ý, có những sản phẩm đang bày bán tại đây đã quá hạn sử dụng.
Với thói quen tiêu dùng đặc thù của người dân địa phương khi ít để ý tới hạn sử dụng, rất có thể những sản phẩm đã hết hạn sử dụng này và những sản phẩm chưa bị phát hiện trước đó đã được tiêu thụ trót lọt, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng là là vô cùng lớn.
Dạo quanh một vòng siêu thị, tại những quầy hàng phóng viên ghi nhận trước đó vẫn ngang nhiên bày bán sản phẩm ngoại nhập có dấu hiệu vi phạm, vị trí đặt những sản phẩm vi phạm trước và sau khi lực lượng QLTT phụ trách khu vực huyện Trực Ninh đã kiểm tra (nếu có) không hề bị di chuyển, như chưa hề có sự vào cuộc của lực lượng QLTT đối với những sai phạm của siêu thị này.
Mặc dù lực lượng QLTT tại địa phương là rất mỏng (theo chia sẻ của ông Lê Ngọc An – Phó Cục trưởng phụ trách Cục QLTT tỉnh Nam Định), tuy nhiên với một siêu thị bán hàng tiêu dùng lớn, lại nằm ngay trung tâm của Thị trấn thì những vi phạm nêu trên cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của lực lượng QLTT phụ trách khu vực huyện Trực Ninh, nhằm góp phần đảm bảo trong sạch thị trường, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng địa phương.
Những phản ánh trên xin được gửi tới Cục QLTT tỉnh Nam Định, cũng như các cơ quan chức năng có liên quan sớm vào cuộc kiểm tra làm rõ, nhằm bảo đảm minh bạch thị trường hàng hóa tại đia phương, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh làm ăn chân chính.
Ở loạt bài tiếp theo, tòa soạn Thương hiệu và Công luận tiếp tục phản ánh tới độc giả những địa điểm liên quan đến thực trạng hàng giả, hàng nhái và hàng hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại địa phương này. Bên cạnh đó là những thông tin liên quan đến hoạt động kiểm soát thị trường của lực lượng QLTT địa phương ngay sau khi có thông tin mới nhất.
Nhóm PV
(Còn nữa)