Chống buôn lậu - nhiệm vụ trọng tâm
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh cho biết:
Trong tháng 5, trên địa bàn tỉnh vẫn còn hiện tượng bày bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại và kinh doanh hàng hóa trái phép, vi phạm về giá…
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là vận chuyển hàng hóa trên các chuyến hàng trong container, các kho chứa trữ phục vụ cho việc kinh doanh hàng hóa qua thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, để bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng “núp bóng” với danh nghĩa hàng xách tay, hàng sale giá rẻ diễn ra phổ biến.
Các đối tượng tiến hành giao dịch mua bán hàng hóa trên các trang thương mại điện tử như website tự lập, zalo, viber, facebook, youtube… gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng.
Cùng với đó, tại điểm bán hàng, các hộ kinh doanh thường trưng bày lẫn lộn hàng giả, hàng thật với nhau, để đánh lừa người tiêu dùng. Bên cạnh một số người dân còn hạn chế trong việc phân biệt hàng thật - hàng giả, thì một bộ phận người dân ưa chuộng hàng có thương hiệu nhưng giá rẻ, đã tạo điều kiện cho các đối tượng sản xuất, phân phối, buôn bán hàng giả hoạt động mà không có hóa đơn chứng từ.
Trước những diễn biến trên, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động bám sát các ý kiến chỉ đạo của cấp trên, đồng thời, đơn vị luôn xác định rõ nhiệm vụ đấu tranh chống buôn bán hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại, kinh doanh trái pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, góp phần ổn định giá cả thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, Cục đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn, rà soát, nắm số thương nhân tăng - giảm (số mới ra kinh doanh, số nghỉ bỏ kinh doanh). Chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch kiểm tra theo từng chuyên đề, lĩnh vực cụ thể, từng địa bàn trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi bày bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm sở hữu trí tuệ và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác trên địa bàn quản lý.
Bên cạnh đó, Cục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể xã hội, các cơ quan thông tin báo, đài Trung ương và đại phương, đài phát thanh các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nhân dân nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động thương mại, công nghiệp, dịch vụ thương mại; để người dân hiểu rõ tác hại của việc kinh doanh hàng lậu, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại khác, từ đó tự giác ủng hộ các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.
Cục cũng cử công chức quản lý thị trường trực tiếp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong kinh doanh, dịch vụ thương mại, ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ… trong tháng, Cục đã ký cam kết đối với 143 cơ sở sản xuất, kinh doanh...
Xử lý nhiều vụ việc vi phạm
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh thông tin:
Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kết quả trong tháng, lực lượng quản lý thị trường tỉnh kiểm tra tổng số 44 vụ; xử lý 27 vụ, trong đó, hàng lậu 12 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 122.500.000 đồng;
Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ 5 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 92.500.000 đồng; vi phạm về giá 7 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 6.750.000 đồng; vi phạm trong kinh doanh (không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh sai địa điểm, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, vi phạm nhãn hàng hóa...) 3 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 59.750.000 đồng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước ước 1.722.149.000 đồng.
Đạt được kết quả trên là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo cấp trên, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng, đặc biệt là sự đoàn kết, cố gắng tích cực của tập thể lãnh đạo cục và các lực lượng chức năng trực thuộc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, đó là:
Công tác phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã, phường tuy đã thực hiện nhưng chưa thường xuyên;
Trình độ nghiệp vụ chuyên môn của một số công chức, kiểm soát viên thị trường còn hạn chế, đặc biệt là nghiệp vụ kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử;
Công tác đấu tranh chống buôn bán hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại hạn chế về công tác nhận mối tin báo, thẩm tra và xác minh thông tin;
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường còn bất cập, nội dung chồng chéo về thẩm quyền, hành vi vi phạm, mức xử lý hành chính, dẫn đến những khó khăn đáng kể cho công tác kiểm tra xử lý;
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng quản lý thị trường tỉnh gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực và về trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác còn thiếu và chưa đầu tư tương xứng với nhiệm vụ được giao...
Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh cũng kiến nghị:
Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức các lớp học bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho công chức quản lý thị trường, nhất là lĩnh vực kiểm tra, xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hoá kém chất lượng, hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử.
Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các ban ngành chức năng quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác phối hợp, tăng cường biên chế, nhân lực, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chống buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại để lực lượng quản lý thị trường tỉnh thực hiện nhiệm đạt kết quả tốt nhất.
Nguyễn Kiên