Nhiều lần bị kiểm tra, xử phạt
Liên quan đến bài viết “TP. Hồ Chí Minh: Cửa hàng đồ si C68 bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ” đăng tải trên Tạp chí Thương hiệu và Công luận ngày 14/10/2024. Mới đây, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản số 4596/QLTTHCM-KTPHLN, cung cấp thông tin phản hồi tới Tạp chí Thương hiệu và Công luận.
Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, thương hiệu đồ si C68 đã nhiều lần bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; giả mạo nhãn hiệu.
Cụ thể, ngày 13/11/2023, Đội Quản lý thị trường số 7, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra, xử phạt Hộ kinh doanh Gốm Sứ Nhật B23 (địa chỉ số B23 đường D4, Khu dân cư Him Lam, phường Tân Hưng, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh) số tiền 8,5 triệu đồng.
Cơ sở này bị xử phạt về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ngoài phạt tiền cơ sở cũng buộc phải tiêu hủy hơn 532 đơn vị sản phẩm vi phạm.
Ngày 4/10/2024, Đội Quản lý thị trường số 7 kiểm tra, xử phạt Hộ kinh doanh Gốm sứ B23 số tiền 6 triệu đồng về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, đồng thời buộc tiêu hủy 11 đơn vị sản phẩm quần, áo giả mạo nhãn hiệu.
“Sau khi nhận được thông tin phản ánh từ Tạp chí Thương hiệu và Công luận, Đội Quản lý thị trường số 7 tiếp tục thực hiện kiểm tra, ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính ngày 11/12/2024 về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu với mức phạt với mức xử phạt là 7 triệu đồng (có tình tiết tăng nặng do tái phạm), buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa tạm giữ” – Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Cũng theo Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, đối với Hộ kinh doanh Trung Cúc C68 (địa chỉ số 21 đường Hoàng Trọng Mậu, phường Tân Hưng, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh), ngày 11/12/2024, Đội Quản lý thị trường số 7 đã thực hiện kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính cơ sở này số tiền 6 triệu đồng.
Hành vi vi phạm được xác định là trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa tạm giữ.
“Theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ, khi kiểm tra và phát hiện các mặt hàng đã qua sử dụng, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh xử lý theo quy định về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu. Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường địa bàn tăng cường kiểm tra kiểm soát, tiền hành xử lý khi phát hiện vi phạm theo quy định của pháp luật” - Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Kinh doanh hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu
Trước đó, như Thương hiệu và Công luận đã thông tin, kinh doanh quần áo cũ (kinh doanh hàng thùng, hàng si, hàng secondhand) ngày càng trở thành xu hướng, được nhiều người ưa chuộng do sự độc lạ, hiếm đụng hàng mà giá cả lại rẻ và hấp dẫn.
Lợi dụng điều này, một số tổ chức, cá nhân đã dùng mọi thủ đoạn để nhập khẩu quần áo, giày dép, đồ gốm sứ... đã qua sử dụng từ nước ngoài về Việt Nam bán kiếm lời, bất chấp những quy định của pháp luật cũng như tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh da liễu khi mặc đồ “secondhand, đồ si”.
Mục sở thị tại cửa hàng Đồ si 68 (B23, đường D4, Khu dân cư Himlam, phường Tân Hưng, quận 7), phóng viên không khỏi bất ngờ khi ở đây bày bán hàng nghìn sản phẩm thời trang từ túi xách, quần áo cho đến giày dép… của nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới (Puma, Nike, Adidas, Burberry, Gucci…)
Đáng chú ý, những sản phẩm này đều là đồ cũ, đã qua sử dụng, không có tem nhãn, không có thông tin về sản phẩm. Chúng có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm.
Khi phóng viên hỏi về thông tin của sản phẩm, một người bán hàng tại đây cho biết: “Đây là đồ nhập khẩu, đồ nhà chị là đồ “secondhand” mà (đồ cũ – PV), hàng Authentic (hàng chính hãng – PV) nhiều lắm. Hàng này là phải lựa kỹ thì mới có hàng chính hãng nha, cái này phải có kinh nghiệm, phải “chơi chuyên” mới được nha”….
Để phóng viên yên tâm mua hàng, người này còn nhấn mạnh, “không quan trọng hãng mà quan trọng là chúng ta mặc đồ đó có đẹp không. Hàng này đi một vòng trái đất về “mặc thành Việt Kiều” thì không chịu?”
Tại một cơ sở khác của cửa hàng Đồ si 68 (địa chỉ 21 Hoàng Trọng Mậu, Khu dân cư Him Lam, phường Tân Hưng), khi bước vào, đập vào mắt phóng viên là hàng nghìn sản phẩm gốm sứ, quần áo, giày dép.
Theo người bán hàng ở tại địa chỉ này, cơ sở 2 với cơ sở 1 là cùng một chủ. Khi phóng viên thắc mắc là tại sao không chung vào một chỗ cho tiện quản lý, buôn bán này người này nói: “Bên em có hàng chục nhân viên đóng, dỡ hàng, với số lượng hàng lớn như thế thì làm sao gom vào một chỗ được, nên mới phải tách ra 2 cơ sở”.
Nhân viên bán hàng này cũng cho biết thêm, đồ gốm sứ ở đây toàn là nhập khẩu từ “Nhật Bản”, được bán theo cân, theo cái, kiểu gì cũng có…
Theo Luật sư Đặng Văn Dũng, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, tại mục 2 Phụ lục 1, Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ thì một trong những danh mục các hàng hóa cấm nhập khẩu bao gồm:
Hàng tiêu dùng, thiết bị y tế, phương tiện đã qua sử dụng, bao gồm các nhóm hàng: Hàng dệt may, giày dép, quần áo; Hàng điện tử; Hàng điện lạnh; Hàng điện gia dụng; Thiết bị y tế; Hàng trang trí nội thất; Hàng gia dụng bằng gốm, sành sứ, thủy tinh, kim loại, nhựa, cao su, chất dẻo và các chất liệu khác; Xe đạp; Mô tô, xe gắn máy.
“Như vậy, quần áo, hàng gia dụng bằng gốm, sành sứ đã qua sử dụng thuộc diện hàng hóa cấm nhập khẩu. Do đó, kinh doanh các hàng hóa trên vi phạm hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu” – Luật sư Dũng nhận định.
Hoàng Bách