Hàng hoá thiếu thông tin nhãn mác được bày bán "tràn lan" trên kệ của siêu thị D-SHOP
Theo tìm hiểu của PV Tạp chí Thương hiệu & Công luận, siêu thị D-SHOP có địa chỉ tại 54 Hàng Đường, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, bày bán các mặt hàng như thực phẩm chức năng (TPCN), dầu gội, dầu xả, lăn khử mùi,... nhãn phụ thiếu thông tin cần thiết. Điều này gây ra khó khăn cho người tiêu dùng khi tiếp cận sản phẩm.
Không những vậy, nhiều hàng hóa tại đây có 100% chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt, vậy liệu nhân viên bán hàng có nắm rõ được hết các công dụng của sản phẩm, có chuyên môn gì?, hay hiểu biết về ngoại ngữ không mà lại tư vấn như vậy là dựa vào đâu? Ai sẽ chịu trách nhiệm khi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm mà có vấn đề không may xảy ra?
Theo khoản 3, Điều 7, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng Tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng Tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa mà không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt; hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, doanh nghiệp đó có thể nhận mức xử phạt cao nhất từ 25-30 triệu đồng.
Việc không ghi đầy đủ các thông tin trên nhãn phụ có thể gây ra khó khăn cho người tiêu dùng khi tiếp cận sản phẩm. Nếu như muốn biết về công dụng, cách sử dụng của sản phẩm người mua hàng phải nhờ đến nhân viên bán hàng, mà liệu nhân viên bán hàng có nắm rõ được hết các công dụng, hướng dẫn sử dụng của sản phẩm, và có chịu trách nhiệm khi tư vấn?
Đồng thời, việc nhãn phụ thiếu thông tin cũng khiến người mua hàng "mơ hồ" về nguồn gốc xuất xứ, cũng như chất lượng của sản phẩm đang được bày bán tại siêu thị D-SHOP.
Website https://dshop54.vn/ của siêu thị D-SHOP có dấu vi phạm nội dung quảng cáo
Mặc dù chỉ là TPCN nhưng trên website của cửa hàng, sản phẩm này được mô tả như thuốc chữa bệnh, với các từ ngữ: “Thuốc chữa miễn dịch kẽm…”
Mặc dù chỉ là viên uống bổ sung, TPCN, nhưng website này lại mạnh dạn ghi sản phẩm này là “thuốc Niacin (Vitamin B3)”.
Vẫn là TPCN nhưng được website nổ với tên khác là “Thuốc bổ tim mạch Doppelherz Coenzym Q10”.
“Thuốc bổ xương khớp Doppelherz Gelenk”
“Thuốc Bổ Xương Khớp Doppelherz Gelenk 1500 Kollagen”
Và tuyệt nhiên, các sản phẩm TPCN nêu trên đều không có ghi khuyến cáo: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Một số TPCN được bày bán tại trên website https://dshop54.vn/ nhưng không khuyến cáo: “Sản phẩm này không phải là thuốc…”
Theo quy định, căn cứ vào điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định nội dung trên như sau: - Quảng cáo thực phẩm chức năng phải thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này và các nội dung sau đây: + Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có); + Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Như vậy, khi quảng cáo thực phẩm chức năng phải ghi khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” theo quy định.
Không chỉ trên website, mà tại siêu thị D-SHOP một số sản phẩm vẫn được gắn mác với tên gọi và công dụng như thuốc trị bệnh.
Vitamin tổng hợp cho bà bầu Doppelherz được miêu tả với công dụng: “…giúp ngăn ngừa dị tật thai nhi do thiếu vitamin và khoáng chất. Ngăn ngừa và thiếu trị thiếu máu cho phụ nữ có thai”.
“Tums điều trị ợ chua đau dạ dày” được bày bán tại cửa hàng D-SHOP
Bộ Y tế đã đưa ra khái niệm về TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật. Việc để tên hay ghi công dụng các TPBVSK này là thuốc, và mang những tác dụng như điều trị có thể gây ra những hiểu nhầm cho khách hàng, khiến đa số người tiêu dùng tưởng nhầm là thuốc, có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thậm chí có người còn nghĩ là thuốc đó chữa bách bệnh.
Các sản phẩm TPCN với những lời quảng cáo ca ngợi có cánh, giới thiệu lập lờ khiến người tiêu dùng hoang mang, khó có thể đưa ra chọn lựa đúng đắn cho mình. Do đó, người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác và lựa chọn những địa điểm uy tín có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để mua hàng.
Dù cho pháp luật đã nêu rõ song tình trạng bày bán hàng hóa có xuất xứ nước ngoài nhưng không có tem nhãn phụ tiếng Việt vẫn diễn ra tại cửa hàng D-SHOP, liệu có phải cửa hàng này đang ngó lơ pháp luật hay không?
Đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cũng như các cơ quan liên quan xác minh, kiểm tra và xử lý những sai phạm (nếu có) của cửa hàng “D-SHOP” nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, cũng như tạo ra môi trường kinh doanh hàng hóa lành mạnh, minh bạch thị trường.
Kim Khánh- Thuỳ Linh