Năm 2023, về lĩnh vực cạnh tranh, Bộ Công Thương triển khai thực hiện:

Thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia; chủ động triển khai Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn, nghiên cứu, rà soát các giao dịch mua bán, sáp nhập trên thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử và bán lẻ; thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật;

Xem xét các vụ việc liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế cạnh tranh để có biện pháp can thiệp phù hợp; chủ động thu thập, xác minh thông tin, dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh ở một số thị trường, ngành, lĩnh vực;

Năm 2023, đã xem xét 8 hồ sơ vụ việc cạnh tranh và xác minh, đánh giá 29 vụ việc tiền tố tụng có dấu hiệu hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh (trong đó, chủ động phát hiện và xác minh 11 vụ việc có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh và 18 phản ánh về vụ việc có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh);

Tính đến nay, đã tiếp nhận và xử lý trên 150 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế trong nhiều ngành, lĩnh vực (đã trả lời trên 120 hồ sơ); đồng thời, đã ban hành mẫu thông báo tập trung kinh tế để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện quy định pháp luật về cạnh tranh.

Lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:

Đã tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2023); thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình giao dịch, thông qua các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

Tiếp tục thực hiện công tác tiếp nhận, xử lý các hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với 151 hồ sơ; tiến hành kiểm tra hoạt động tuân thủ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của 5 doanh nghiệp, cho tới thời điểm hiện nay đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt khoảng 500 triệu đồng.

Công tác quản lý nhà nước về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được thực hiện nghiêm túc.

Lĩnh vực quản lý hoạt động bán hàng đa cấp:

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý, đặc biệt là ở các địa phương để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng phương thức bán hàng đa cấp để trục lợi trái phép; phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an các cấp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;

Năm 2023, Bộ Công Thương đã hoàn thành kiểm tra đối với 6 doanh nghiệp bán hàng đa cấp, xử phạt hành chính đối với 6 doanh nghiệp và 1 người tham gia vi phạm với tổng số tiền phạt 1 tỷ 290 triệu đồng; tiếp nhận và xử lý trên 140 thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh
Quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh

Năm 2024, Bộ Công Thương triển khai xây dựng văn bản pháp luật:

Hoàn thiện dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (trình Chính phủ ký, ban hành trong năm 2024);

Tiếp tục xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về chế độ bồi dưỡng đối với thành viên Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, người tiến hành tố tụng cạnh tranh, người giám định, người phiên dịch, người làm chứng theo quy định của Luật Cạnh tranh; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Về thực thi pháp luật cạnh tranh:

Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, năng lực thực thi của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho nền kinh tế, các doanh nghiệp; tập trung xác minh dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh, tổ chức điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, đặc biệt là một số lĩnh vực mang tính chất nổi cộm;

Thúc đẩy vai trò của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia nhằm triển khai hiệu quả Luật Cạnh tranh năm 2018 , tập trung rà soát, nghiên cứu, thu thập thông tin phục vụ giám sát cạnh tranh trên một số thị trường trọng điểm (thị trường dịch vụ bưu chính; thị trường quảng cáo trực tuyến; thị trường hàng không...) để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; xem xét các vụ việc có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh trong một số lĩnh vực cụ thể để có biện pháp can thiệp phù hợp;

Tiếp tục tăng cường hiệu quả phối hợp, tham vấn, trao đổi giữa cơ quan quản lý cạnh tranh và các cơ quan quản lý chuyên ngành trong công tác kiểm soát các giao dịch tập trung kinh tế theo đúng quy định của pháp luật về cạnh tranh, đặc biệt là các giao dịch có tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh tại thị trường Việt Nam, các hoạt động tập trung kinh tế tiêu cực đến nền kinh tế.

Về quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:

Ưu tiên bố trí nguồn lực để tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đa dạng, hiệu quả và quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh; tăng cường công tác cảnh báo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng nhận diện, phòng tránh các biểu hiện biến tướng của kinh doanh đa cấp cho mọi tầng lớp nhân dân;

Tập trung thực hiện kế hoạch triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2024; tiếp tục lồng ghép, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho các chủ thể có liên quan về nội dung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sau khi được thông qua; tăng cường phát hiện, cảnh báo hoặc xử lý hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phối hợp các cơ quan, tổ chức trong công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

Triển khai Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam năm 2024, đảm bảo thu hút được số lượng lớn doanh nghiệp, người tiêu dùng, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước cùng tham dự; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực quốc tế trong việc nâng cao hiệu quả và triển khai thực hiện các công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam...

Nguyễn Xuân Trường (Trường ĐHCN Việt - Hung)