Việc thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ gắn với Cảng biển Liên Chiểu
Việc thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ gắn với Cảng biển Liên Chiểu

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh vừa ký tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng (Khu TMTD). Theo đó, quy mô diện tích của Khu TMTD đến giai đoạn hoàn chỉnh hạ tầng và đồng bộ các khu chức năng đạt khoảng hơn 2.317ha, bao gồm vị trí lấn biển khoảng hơn 300 ha, được bố trí tại 10 vị trí không liền kề gắn kết với cảng biển Liên Chiểu và sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Có 4 khu chức năng thuộc Khu TMTD gồm khu logistics (vị trí 1 và 9), khu logistics và sản xuất (vị trí 2 và 3), khu sản xuất (vị trí 4A, 4B), khu thương mại dịch vụ và kinh tế số, công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo (vị trí 5, 6, 7, 8). Các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển trong Khu TMTD là sản xuất hàng xuất khẩu có giá trị cao (điện tử tiên tiến, sản xuất máy bay, linh kiện phụ trợ hàng không, lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip bán dẫn); lĩnh vực logistics (vận tải đa phương thức, dịch vụ phụ trợ và kho bãi); lĩnh vực thương mại dịch vụ (bán hàng miễn thuế, du lịch y tế, MICE, kinh doanh casino); lĩnh vực đổi mới sáng tạo (trí tuệ nhân tạo, bán dẫn); lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ (thanh toán, khởi nghiệp, giáo dục nghề và trọng tài kinh tế…).

Theo đề án, Khu TMTD sẽ được gắn với Trung tâm tài chính quy mô khu vực (có thể nghiên cứu theo hướng gắn kết thông qua cơ chế cùng giao cho 1 đơn vị quản lý, cùng chung cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình hoạt động, nhà đầu tư vào Trung tâm tài chính cũng được hưởng những cơ chế, chính ưu đãi của Khu TMTD và ngược lại)...

Trong giai đoạn 1 từ nay tới năm 2029, Khu TMTD sẽ xây dựng mới Khu bến Liên Chiểu và các khu hậu cần cảng đảm bảo tiếp nhận tàu 100.000 tấn hoặc lớn hơn; hoàn thành việc giải phóng mặt bằng cho toàn bộ các vị trí (trừ vị trí lấn biển); lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để đầu tư hạ tầng các khu chức năng tại vị trí 3, 4, 5, 6, 7 và 9 trước cuối năm 2026; hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào các khu chức năng tại vị trí 3, 4A, 5, 6, 7 và 9 trước năm 2028; lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để đầu tư hạ tầng các khu chức năng tại vị trí 1, 2 và 8 trước cuối năm 2027; hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào các khu chức năng tại các vị trí 1, 2, 4B, 8 sau năm 2029.

Trong giai đoạn này, khái toán tổng mức đầu tư bên trong Khu TMTD khoảng 35.887 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 20.755 tỷ đồng (chiếm 58% tổng vốn) và chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng khoảng 15.132 tỷ đồng (chiếm 42% tổng vốn). Nhà đầu tư chiến lược sẽ chịu trách nhiệm triển khai, đầu tư cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết 136.

Riêng phần chi phí giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư có thể ứng trước khoản chi này và sẽ được khấu trừ vào tiền thuê đất hoặc tính vào vốn đầu tư dự án tùy từng trường hợp. Vì vậy, cơ cấu nguồn vốn giai đoạn này sẽ được lấy từ nguồn vốn tư nhân, dự kiến hạn chế tối đa việc làm tăng áp lực lên ngân sách nhà nước.

Khu TMTD Đà Nẵng gắn với cảng Liên Chiểu sẽ được xây dựng tại 10 vị trí không liền kề.
Khu TMTD Đà Nẵng gắn với cảng Liên Chiểu sẽ được xây dựng tại 10 vị trí không liền kề.

Trong giai đoạn 2 (sau năm 2029) sẽ mở rộng Khu TMTD tại các khu vực cảng Tiên Sa (sau khi chuyển đổi công năng), khu vực tái thiết đô thị tại nhà ga đường sắt trong trung tâm thành phố… Giai đoạn này chủ yếu tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng với vốn ngoài ngân sách nhà nước, ước tính trên 4.324 tỷ đồng. Theo UBND TP. Đà Nẵng, Khu TMTD đóng vai trò quan trọng, là động lực tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới cho Đà Nẵng.

Đến năm 2030, Khu TMTD là khu vực hấp dẫn, có sức cạnh tranh tốp đầu trong khu vực Đông Nam Á, là nơi tập trung các hoạt động logistics, sản xuất và thương mại-dịch vụ tiên tiến, nơi hội tụ và thúc đẩy các ngành kinh tế mũi nhọn như đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin và dịch vụ hiện đại. Khu TMTD có thể đóng góp 8-9% vào GRDP thành phố vào năm 2030 và tăng lên 25% vào năm 2050. Khu TMTD cũng sẽ thu hút một lực lượng lớn lao động và chuyên gia trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao (41 ngàn lao động năm 2030 và 137 ngàn lao động năm 2050).

Khu TMTD Đà Nẵng là Khu thương mại tự do đầu tiên được tích hợp các chức năng logistics cảng biển, sân bay gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế xuất và các chức năng phụ trợ khác. Đây cũng là Khu TMTD hoạt động theo mô hình phức hợp đa chức năng theo cơ chế liên thông “khu trong khu”.

Trước đó, UBND TP. Đà Nẵng đã có tờ trình về 33 dự án gồm: 3 dự án bên trong khu thương mại tự do được xây dựng tại huyện Hòa Vang và 30 dự án nằm bên ngoài, xây dựng tại huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu.

Cuối tháng Sáu vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 136, gồm 4 chương, 18 điều, quy định về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, trong đó có việc thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu.

Lê Dũng