Khu chung cư Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, vừa được bảo trì sơn mới lại
Khu chung cư Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, vừa được bảo trì sơn mới lại

Địa phương này đã đầu tư ngân sách để xây dựng, đưa vào sử dụng hơn 10.000 căn hộ nhà ở xã hội, chiếm khoảng 70% tổng số căn hộ nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước trên toàn quốc.

Số căn hộ trên đã được bố trí hết, quỹ chung cư nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước còn rất ít.

Mới đây, cử tri tiếp tục kiến nghị liên quan đến chủ trương hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ dân không đảm bảo diện tích tối thiểu, xem xét bố trí chung cư nhà ở xã hội cho người đủ điều kiện để đảm bảo đời sống. Đặc biệt, là tại những quận, huyện nơi có tốc độ tăng dân cư nhanh.

Khu chung cư Hòa Minh nằm trong diện xây dựng mới
Khu chung cư Hòa Minh nằm trong diện xây dựng mới

Theo thông tin từ Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng trong văn bản trả lời cử tri về kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, TP. Đà Nẵng hiện đang thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí xây mới và sửa chữa nhà ở cho các đối tượng thuộc diện người có công với cách mạng và hộ nghèo.

Cụ thể, mức hỗ trợ cho việc xây mới là 60 triệu đồng/nhà đối với người có công, và 80 triệu đồng/nhà đối với hộ nghèo; chi phí sửa chữa tối đa là 30 triệu đồng/nhà cho cả hai đối tượng.

Về chính sách hỗ trợ thuê và mua nhà ở xã hội, Sở Xây dựng cho biết, từ năm 2020, Quỹ nhà ở xã hội thuộc tài sản công của TP. Đà Nẵng đã trở nên khan hiếm. Vì vậy, UBND thành phố đã giao cho Sở Xây dựng tiếp nhận, kiểm tra và báo cáo các đơn thuê chung cư đối với người có công với cách mạng. Tuy nhiên, đối với các đối tượng khác, việc tiếp nhận đơn đề nghị thuê chung cư đã tạm dừng theo hướng dẫn từ năm 2019.

Cơ hội cho người có nhu cầu nhà ở.Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside
Cơ hội cho người có nhu cầu nhà ở.Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng ưu tiên bố trí thuê nhà cho các đối tượng người có công và các hộ gia đình bị di dời, giải tỏa khỏi các khu chung cư, tập thể xuống cấp. Đối với các trường hợp khác, thành phố sẽ xem xét và giải quyết việc thuê, mua nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngoài ngân sách.

Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng đang cân đối lại quỹ nhà ở thuộc tài sản công và sẽ xem xét phương án phân bổ cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Riêng với nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngoài ngân sách, hiện TP.Đà Nẵng đang triển khai một số dự án chung cư tại quận Liên Chiểu, trong đó một số căn hộ đã mở bán. Ngoài ra, từ nay đến năm 2025, Đà Nẵng dự kiến sẽ kêu gọi đầu tư thêm các dự án nhà ở xã hội, phân bổ đều khắp các quận, huyện nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng hơn 6.000 căn nhà ở xã hội mà Trung ương đã giao.

Từ năm 2015, thành phố Đà Nẵng đã cơ bản xóa hết hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương, về đích sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Giai đoạn 2012-2021, thành phố Đà Nẵng huy động hơn 3.551 tỷ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo và 3 lần nâng chuẩn nghèo cao hơn mức chung cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm từ 2% trở lên.

Với chủ trương “5 không, 3 có”, thành phố Đà Nẵng là địa phương sớm xây dựng nhà ở xã hội để phục vụ mục tiêu “có nhà ở”. Trong ảnh: Khu chung cư Hòa Minh, quận Liên Chiểu

Trong 4 năm liên tiếp, thành phố Đà Nẵng miễn học phí cho học sinh ở các cấp học, trừ học sinh học ở trường có vốn đầu tư nước ngoài. Năm học 2023-2024, thành phố đã trích ngân sách hơn 408 tỷ đồng để hỗ trợ học phí cho học sinh.

Từ một thành phố “5 không” (không điện, không nước sạch, không nhà vệ sinh, không giấy khai sinh cho trẻ và không được đi học), Đà Nẵng đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn và đáng sống nhất Việt Nam cũng như khu vực. Thành phố từng lọt vào danh sách TOP 10 địa điểm đáng sống nhất thế giới nhờ hạ tầng hiện đại và môi trường sống lý tưởng. Đặc biệt, Đà Nẵng còn được tạp chí Condé Nast xếp hạng thứ 2 trong TOP 11 điểm đến tốt nhất châu Á.

Hoàng Hữu Quyết