Thành phố Đà Nẵng hiện đang triển khai kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 lớn nhất trong lịch sử
Thành phố Đà Nẵng hiện đang triển khai kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 lớn nhất trong lịch sử.

Thành phố Đà Nẵng hiện đang triển khai kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 lớn nhất trong lịch sử, trước mắt là cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trên địa bàn thành phố, không phân biệt thường trú hay tạm trú. Đây có thể coi là nỗ lực rất lớn của thành phố trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nguồn cung vaccine còn hạn chế, nhu cầu được tiêm ngay của người dân lại rất lớn. Việc tiêm ngừa theo kế hoạch này hoàn toàn miễn phí.

Điều này thể hiện rõ sự quan tâm đến tất cả mọi người đang cư trú ở thành phố, trong số đó có một bộ phận đáng kể từ các địa phương khác.

Đánh giá về công tác phòng, chống dịch thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, bắt đầu từ 28/7, thành phố Đà Nẵng thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ. Trong đó, cao điểm từ ngày 16/8 đến 16/9 thành phố áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ.

Việc tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 giúp bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Việc tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 giúp bảo vệ sức khỏe cho người dân..

Kết quả, số ca mắc ghi nhận trung bình từ 120-140 ca/ngày (tháng 8) giảm xuống còn trung bình 20-30 ca/ngày (tháng 9), thấp nhất là 2-5 ca/ngày (13 đến 19/9).  Hiện nay thành phố Đà Nẵng ghi nhận 39 xã, phường không có ca mắc trong cộng đồng 14 ngày liên tục (vùng xanh).

Tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng trên 100.000 dân theo tuần có xu hướng giảm. Cụ thể, tuần 38 (20/9 đến 26/9) hiện ghi nhận 5 ca; tuần 37 ghi nhận 5 ca, tỷ lệ 0,43 ca/100.000 dân; tuần 36 ghi nhận 19 ca, tỷ lệ 1,63 ca/100.000 dân.

Không chỉ có giá trị bảo vệ sức khỏe, người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 còn được bảo đảm những quyền lợi khác trong hoạt động lưu thông
Không chỉ có giá trị bảo vệ sức khỏe, người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 còn được bảo đảm những quyền lợi khác trong hoạt động lưu thông.

Tính từ ngày 3/5 đến 22/9 thành phố Đà Nẵng đã thực hiện xét nghiệm hơn 4,6 triệu lượt người. Riêng từ ngày 16/8 đến 16/9, toàn thành phố đã thực hiện xét nghiệm toàn dân 7 lần, có nơi 8 lần, với tổng số hơn 2,5 triệu lượt xét nghiệm.

Đối với các tiêu chí về kiểm soát dịch bệnh Covid-19, mới đây Bộ Y tế ban hành Quyết định 3989/QĐ-BYT ngày 18/8/2021, trong đó nêu 7 tiêu chí cụ thể để đánh giá.

Cụ thể: Số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó; tỉ lệ lấy mẫu xét nghiệm dương tính/số người lấy mẫu xét nghiệm có xu hướng giảm liên tục trong 14 ngày; không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới xuất hiện trong vòng 7 ngày; giảm tối thiểu 50% số huyện, xã ở mức độ nguy cơ rất cao; giảm tối thiểu 50% số huyện, xã ở mức độ nguy cơ và tăng tối thiểu 30% số huyện, xã ở mức bình thường mới.

“Thành phố triển khai tất cả các biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Ngoài ra, địa phương cũng chủ động và áp dụng các biện pháp mới, quyết liệt với mục tiêu phát hiện sớm nhất các F0 trong cộng đồng. Hiện nay thành phố Đà Nẵng đạt 6/7 tiêu chí kiểm soát dịch theo Quyết định 3989/QĐ-BYT ngày 18/8 của Bộ Y tế.

Riêng tiêu chí “không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới xuất hiện trong vòng 7 ngày” đến nay thành phố chưa đạt”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết.

Ngành y tế quận Liên Chiểu lấy mẫu xét nghiệm đợt 8
Ngành y tế quận Liên Chiểu lấy mẫu xét nghiệm đợt 8.

Dĩ nhiên, việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 không phải không có điều kiện. Trước hết, mỗi người phải xem việc được tiêm vaccine là quyền lợi, nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân, từ đó tham gia vào bảo vệ sức khỏe cho gia đình, những người xung quanh và cộng đồng. Đã là quyền lợi thì mỗi người đều có thể lựa chọn tiêm hoặc không tiêm, tiêm vào lúc nào... Tuy nhiên, với việc bố trí thời gian, địa điểm, phương thức tiêm cùng các biện pháp bổ trợ khác một cách quy củ, chặt chẽ, người dân tiêm ngay vào lúc này sẽ có nhiều thuận tiện hơn.

Bên cạnh đó, dù cố gắng thực hiện việc tiêm cho nhiều người nhất có thể (trên 18 tuổi) nhưng sẽ có những trường hợp chưa thể tiêm ngay hoặc phải thận trọng và theo dõi sát khi tiêm. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, những người cao tuổi, người có bệnh nền (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì...), là nhóm người có nguy cơ nhiễm cao, mắc Covid-19 nặng nên là đối tượng nguy cơ cần được tiêm vaccine, tuy nhiên chỉ tiêm chủng khi bệnh đã ổn định, các chỉ số đường huyết, mạch, huyết áp ở giới hạn bình thường. Hiện nay ở Việt Nam, người có bệnh mạn tính không thuộc đối tượng chống chỉ định tiêm nhưng cần được tư vấn đầy đủ. Trong trường hợp cần thiết, người có bệnh có thể được tiêm tại bệnh viện với các điều kiện theo dõi sức khỏe tốt hơn, để bảo đảm an toàn hơn.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, những người cao tuổi, người có bệnh nền (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì...), là nhóm người có nguy cơ nhiễm cao
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, những người cao tuổi, người có bệnh nền (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì...), là nhóm người có nguy cơ nhiễm cao.

Vaccine Covid-19 giúp cơ thể con người phát triển khả năng miễn dịch chống lại virus gây bệnh mà không cần nhiễm bệnh. Theo thông tin từ Bộ Y tế, các loại vaccine phòng Covid-19 khác nhau tác động theo những cách khác nhau để tạo ra khả năng bảo vệ. Khi tiêm vaccine, cơ thể sẽ được cung cấp tế bào ghi nhớ cách chống lại virus trong tương lai.

Đôi khi sau khi tiêm vaccine, quá trình tạo khả năng miễn dịch có thể gây ra các triệu chứng như sốt. Các triệu chứng này là bình thường và là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang hình thành khả năng miễn dịch. Việc tiêm vaccine giúp chống lại sự lây lan của virus gây bệnh và giảm khả năng bệnh chuyển biến nghiêm trọng nếu mắc Covid-19. Việc tiêm phòng cho bản thân còn giúp bảo vệ những người xung quanh, đặc biệt là những người có nguy cơ mắc bệnh nặng do Covid-19.

Việt Nam đã tiếp nhận và sử dụng các loại khác nhau gồm:AstraZeneca, Vero Cell, Moderna, Pfizer và Sputnik. Các vaccine phòng Covid-19 không phải là vaccine thử nghiệm. Chúng đã trải qua tất cả các giai đoạn bắt buộc của thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm và giám sát diện rộng đã chứng minh rằng các vaccine này an toàn và hiệu quả. Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị quyết số 109/NQ-CP ngày 20/9/2021 về việc mua vaccine phòng Covid-19 Abdala do Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba sản xuất.

Kể cả những người đã mắc Covid-19 cũng nên tiêm chủng. Các nghiên cứu cho thấy những người chưa tiêm chủng và đã mắc Covid-19 có nhiều khả năng tái mắc cao hơn 2 lần so với những người đã tiêm chủng đầy đủ.

Ngoài ý nghĩa bảo vệ sức khỏe, việc tiêm 1 hoặc đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 còn có giá trị về mặt lưu thông trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Chẳng hạn, người nhập cảnh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 được rút ngắn thời gian cách ly tập trung so với những người chưa tiêm chủng. Hiện nay, đã có địa phương trong nước đang triển khai hình thức “thẻ vàng”, “thẻ xanh” Covid-19. Đây được xem là “tấm vé” thông hành cho người dân quay trở lại nhịp sống bình thường mới như: Được lưu thông thay vì bắt buộc xin giấy đi đường, được giao dịch thủ tục hành chính trực tiếp…

Dù đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, nhưng mỗi người dân cần tuân thủ nguyên tắc 5K để phòng, chống dịch có hiệu quả.

Với hy vọng của người dân và chính quyền sở tại, sau khi tiêm phủ vaccine toàn thành phố, Chính quyền thành phố Đà Nẵng sẽ nới lỏng thêm nhiều hoạt động cho người dân trở lại trạng thái bình thường.
Sau khi tiêm phủ vaccine toàn thành phố, Chính quyền thành phố Đà Nẵng sẽ nới lỏng thêm nhiều hoạt động cho người dân trở lại trạng thái bình thường..

Với hy vọng của người dân và chính quyền sở tại, sau khi tiêm phủ vaccine toàn thành phố, Chính quyền thành phố Đà Nẵng sẽ nới lỏng thêm nhiều hoạt động cho người dân trở lại trạng thái bình thường.

Hiện thành phố Đà Nẵng chưa chính thức triển khai “thẻ vàng”, “thẻ xanh” Covid-19.

Hoàng Hữu Quyết