Các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm nhập viện điều trị ngày 26-1
Như TH&CL đã đưa tin, đây là cơ sở bán bánh mì khiến 88 người phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm từ ngày 23 đến 27-1- 2019.
Theo kết luận của cơ quan chức năng, cơ sở bánh mì của bà Vương đã không bố trí riêng biệt theo quy định của pháp luật về nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm, sơ chế, chế biến và các khu vực phụ trợ liên quan; người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang.
Đặc biệt, thành phần dăm bông, rau sống có trong bánh mì đã nhiễm Samonelia (theo QCVN 8-3: 2012/BYT là không có), trong khi thành phần dưa chua có hàm lượng Clostridium vượt ngưỡng cho phép.
UBND TP Đà Nẵng phạt cơ sở bánh mì của bà Vương 98 triệu đồng, đồng thời tiêu hủy toàn bộ các loại thực phẩm vi phạm và chịu mọi chi phí điều trị cho các bệnh nhân.
Trước đó, ngày 23-1- 2019, 27 người dân mua bánh mì tại tiệm bánh mì của bà Vương để ăn thì xuất hiện những triệu chứng nôn mửa, đau bụng, đi ngoài. Ngay lập tức, những người này được đưa vào Bệnh viện đa khoa Tâm Trí, Trung tâm Y tế Cẩm Lệ để cấp cứu, điều trị.
Liên tiếp những ngày sau đó, có thêm hàng chục người nhập viện để điều trị với các triệu chứng tương tự. Cơ quan chức năng đã vào cuộc làm rõ, lấy mẫu xét nghiệm và kết luận, 88 người ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì từ tiệm của bà Vương.
Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL An toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng, đây là vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn thành phố. Hình thức xử lý được áp dụng tại Nghị định 115/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ.
“Đây là mức phạt mới được áp dụng trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có nhiều tình tiết tăng nặng, hình thức xử phạt cũng cao gấp nhiều lần hơn trước, thậm chí có thể xử lý hình sự. Cơ sở pháp lý quan trọng này sẽ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đối sức khỏe, sự an toàn của người tiêu dùng”, ông Hải cho biết.
Hữu Văn