Chúng tôi đến gia đình Thương binh Trần Đức An (sinh năm 1956, tại tổ dân phố 9, phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông), thấy đắng lòng vì hoàn cảnh hết sức éo le. Căn nhà tình nghĩa duy nhất của Nhà nước tặng cũng sắp bị cưỡng chế.

Nuỗi buồn và sự khổ sở hiện rõ lên khuôn mặt ông An, những giọt nước mắt chực lăn xuống gò má. Ông kể: “Tôi vốn dĩ là đứa trẻ mồ côi tại huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Lúc tôi lên 3 tuổi thì bố mẹ lâm bệnh nặng qua đời, phải sống nhờ vào sự bao bọc của anh em dòng họ. Lớn lên, tôi tình nguyện xung phong vào bộ đội, thuộc đơn vị C3, D25, F10, Quân đoàn 3, chiến đấu tại chiến trường Campuchia. 

Năm 1977, Trung ương Cục mở chiến dịch tình nguyện giải phóng Campuchia. Năm 1979, trong một trận càn khốc liệt, 40 đồng chí ở một đại đội thì 38 người hy sinh, tôi và một đồng chí nữa bị mảnh đạn DKZ găm vào người, bị thương nặng, 2 tay tôi bị bỏng nặng mất tác dụng, xương dùi bị gãy, mắt bị thương nặng. Được đơn vị chuyển điều trị ở nhiều bệnh viện, cuối cùng, tôi được chuyển đến Đoàn 585. Sống sót trở về quê hương, với tôi là một điều vô cùng may mắn…”.

Đắk Nông: Nhói lòng với hoàn cảnh gia đình một thương binh - Hình 1

Thẻ chứng nhận thương binh của ông Trần Đức An

Trải qua một thời gian dài điều trị vết thương tại Đoàn 585, ngày 31/1/1980, ông An có quyết định xuất ngũ chế độ thương binh hạng 1/4, bệnh binh mãn tính, về trại nuôi dưỡng thương binh nặng thuộc Ty Thương Binh Xã hội Thanh Hóa.

Ông trở về lại quê hương trong tình trạng mất 81% khả năng lao động, cơ thể có nhiều vết thương, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Được sự sẻ chia của cô thanh niên xung phong Lê Thị Thú, họ đã kết duyên vợ chồng. Rồi hạnh phúc lại được “xây thành đắp lũy” khi người con trai của hai người chào đời năm 1993. Nhưng số phận lại một lần nữa bị đánh cược, đứa con của họ đã bị bệnh tâm thần phân liệt, khiến nỗi đau của gia đình thương binh Trần Đức An như đẩy lên đến tột cùng.

Với bản chất kiên cường của người lính, không khó khăn nào có thể làm niềm tin sụp đổ. Hai vợ chồng lại cùng nhau nuôi con, tìm cách chữa bệnh cho con vượt lên hoàn cảnh. Năm 2008, để thay đổi cuộc sống, vợ chồng quyết định vào Đắk Nông sinh sống, tìm đất làm nông nghiệp.

Cuộc giống gia đình thương binh đỡ vất vả phần nào. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, năm 2010, UBND thị xã Gia Nghĩa đã tặng cho gia đình ông An một lô đất có diện tích 578 m2, thuộc thửa đất số 307, Tờ bản đồ số 3 ở Tổ 9, Phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông). Đồng thời, được chuyển đổi 200 m2 đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở không phải nộp tiền sử dụng đất.

Điều vui mừng nữa, tháng 7/2011, Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) đã xây tặng gia đình thương binh Trần Đức An một ngôi nhà tình nghĩa khang trang trên thửa đất nói trên. Đây là một món quà vô giá, động viên tinh thần gia đình thương binh An vượt qua khó khăn.

Thế nhưng, niềm vui có nhà chưa được bao lâu, tai họa lại ập đến. Ngày 9/8/2011, ông Nguyễn Mạnh Hùng cùng vợ là Cảo Thị Thoa đã đến nhà dùng “lời đường mật” mượn GCNQSDĐ của gia đình ông An để vay ngân hàng, hứa sẻ trả lại sau m1 năm. Tin tưởng người hàng xóm và với tinh thần giúp nhau vượt qua khó khăn, ông An đồng ý cho ông Hùng mượn sổ đỏ 1 năm.

Đắk Nông: Nhói lòng với hoàn cảnh gia đình một thương binh - Hình 2

Thương binh Trần Đức An lo lắng vì tin người mà ngôi nhà tình nghĩa của mình sắp bị cưỡng chế

Thế nhưng, sau 1 năm rồi 2 - 3 năm không thấy vợ chồng ông Hùng trả lại sổ đỏ, tiền ngân hàng, gia đình ông Hùng cũng không trả. Ông Nguyễn Mạnh Hùng đã bị Ngân hàng Nông nghiệp thị xã Gia Nghĩa khởi kiện ra tòa, buộc ông Hùng phải trả nợ vay ngân hàng trước đó, nếu không ngân hàng sẽ tiến hành phát mãi ngôi nhà của gia đình ông An trước đó đã thế chấp.

Trao đổi với phóng viên, thương binh Trần Đức An nghẹn ngào: “Chỉ một phút cả tin giờ nên cơ sự thế này, mỗi lần nói đến ngôi nhà sắp mất, thằng con bị bệnh tâm thần lâu lâu lại lao vào tôi đánh đập hành hạ. Nếu nhà mất, không biết cả gia đình tôi sẽ ra sao?”.

Trước sự thật éo le, phía sau câu chuyện đau lòng của gia đình thương binh Trần Đức An, còn có nhiều uẩn khúc. Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Đắk Nông sớm vào cuộc điều tra làm rõ, trả lại sự công bằng cho gia đình thương binh Trần Đức An.

Xuân Hướng - Khắc Niên