Nhân rộng các mô hình
Tính đến nay, cả nước đã có 463.000 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương (tăng 33.000 ha so cùng kỳ 2021) với 6.211 doanh nghiệp được chứng nhận (tăng 166 cơ sở so cùng kỳ); 16.991 ha diện tích nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương (tăng 1.158 ha so cùng kỳ); 924 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP (tăng 108 trang trại so cùng kỳ).
Đến nay, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 70% (cùng kỳ năm 2021 là 68,8%), đều đảm bảo tiêu chí tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ đúng các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Đã có 7.463 sản phẩm đạt chuẩn theo bộ tiêu chí sản phẩm thuộc Chương trình OCOP (“Mỗi xã một sản phẩm”), tăng 46% so cùng kỳ 2021.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các địa phương, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện xây dựng và phát triển các mô hình tiên tiến về cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc. Kết quả đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi; đã có 1668 chuỗi được kiểm soát (tăng 24 chuỗi so cùng kỳ 2021) với sự tham gia của một số tập đoàn lớn như Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop, San Hà...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021 - 2025; tổ chức ký Chương trình phối hợp với Cần Thơ (3/6/2022); xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động phối hợp năm 2022 với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai Chương trình phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Hội Nông dân Việt Nam (Chương trình số 8471/CTPH- BNN&PTNT- HNDVN).
Đảm bảo an toàn thực phẩm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duy trì triển khai các chương trình giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý, tổ chức thanh tra đột xuất, xử phạt nghiêm vi phạm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị trực thuộc triển khai chương trình giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã tổ chức lấy 843 mẫu thủy sản giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm, phát hiện 12 mẫu vi phạm (chiếm 1,4%, giảm so cùng kỳ 2021.
Các địa phương thực hiện lấy 8.492 mẫu nông lâm thủy sản, phát hiện 346 mẫu vi phạm (chiếm 4,07%); giảm so với 5,65% cùng kỳ 2021. Đối với các mẫu giám sát an toàn thực phẩm vi phạm, các cơ quan đã cảnh báo và triển khai các biện pháp xử lý theo quy định.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã thực hiện thẩm định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với 4.117 cơ sở, có 4.049 cơ sở đáp ứng quy định an toàn thực phẩm, chiếm 98,35%; tăng so với 91,17% cùng kỳ 2021; thực hiện kiểm tra, thanh tra 9.029 cơ sở, xử phạt 910 cơ sở (chiếm 10,1%) với số tiền 5,2 tỷ đồng, tăng so 7,87% cùng kỳ 2021 với tổng số tiền phạt là 4,32 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam; chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc, tiếp cận thị trường, mở rộng xuất khẩu nông lâm thủy sản và tận dụng các nguồn lực hỗ trợ quốc tế.
Kết quả: Sau khi đánh giá trực tuyến, Hoa Kỳ tiếp tục công nhận cá da trơn Việt Nam tương đương chứng nhận VietGAP và bổ sung thêm 6 doanh nghiệp, nâng tổng số lên 19 doanh nghiệp được phép chế biến, xuất khẩu sản phẩm này vào Hoa Kỳ; công nhận bổ sung 21 doanh nghiệp, nâng tổng số 660 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, 1 doanh nghiệp được xuất khẩu ốc, ếch, nâng tổng số là 17 doanh nghiệp được xuất khẩu ốc, ếch sang EU; bỏ đình chỉ 2 doanh nghiệp, bổ sung 4 doanh nghiệp, nâng tổng số lên 77 doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam được xuất khẩu vào Liên minh kinh tế Á - Âu; chấp thuận đăng ký xuất khẩu cho 779 doanh nghiệp thủy sản, công nhận danh mục 128 sản phẩm, danh mục 48 loài và danh sách 45 doanh nghiệp được xuất khẩu tôm sú, tôm thẻ, cua, tôm hùm sống sang Trung Quốc…
Qua đó, góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 23,15 tỷ USD, tăng 15,6% so cùng kỳ 2021.
Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chủ trì, phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế thúc đẩy triển khai hiệu quả các dự án quốc tế về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản với Hà Lan, Canada, Nhật Bản, Ai-len...
Triển khai công tác quản lý
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đã hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức lực lượng quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu tình hình mới; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm; tổ chức đánh giá, chỉ định, giám sát cơ sở kiểm nghiệm vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm theo quy định.
Các đơn vị thuộc Bộ đã hướng dẫn, trả lời phản ánh, kiến nghị, vướng mắc của các địa phương; tổ chức nhiều cuộc họp chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong nông nghiệp.
Thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiếp tục được hoàn thiện để triển khai hiệu quả công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, truyền thông, quảng bá được thực hiện thường xuyên, liên tục, đã góp phần nâng cao nhận thức, hành động của các tổ chức, cá nhân đảm bảo an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản.
Các chương trình giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản được duy trì, mở rộng kiểm tra theo Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT và chuyển mạnh thanh tra chuyên ngành sang thanh tra đột xuất - đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, giải quyết hiệu quả những rào cản kỹ thuật an toàn thực phẩm của thị trường xuất khẩu, duy trì ổn định hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản tại các thị trường truyền thống; giải quyết kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm, góp phần củng cố niềm tin đối với người dân, giúp phát triển thị trường trong nước.
Công tác báo cáo, thống kê về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm được thực hiện cơ bản đầy đủ, đồng bộ, kịp thời cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành…
Minh Anh