Để có được thành tựu to lớn ấy, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ là đặc biệt quan trọng, có tác động trực tiếp và quyết định đến mọi mục tiêu, chiến lược phát triển các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị, quốc phòng, an ninh... của tỉnh.
Tùy từng giai đoạn, thời điểm cụ thể, Đảng bộ tỉnh đưa ra những mục tiêu, giải pháp, chiến lược khác nhau, nhưng đều có điểm chung là linh hoạt, thích ứng tốt và phù hợp với điều kiện thực tế đang diễn ra tại địa phương, có tính dự báo cao về xu thế phát triển của xã hội trong giai đoạn kế tiếp. Do vậy, kết quả thu được rất quan trọng, làm thay đổi có tính đột phá đến nền kinh tế cũng như đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Giai đoạn 1997 - 2000, trong bối cảnh tỉnh mới tái lập, điều kiện kinh tế rất khó khăn, tiềm lực hạn chế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra phương hướng đặc biệt quan trọng là “Tập trung mọi nguồn lực tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Hướng chủ yếu của tỉnh là phát triển mạnh công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...”.
Trong giai đoạn này, Vĩnh Phúc thực hiện chính sách “trải thảm đỏ” và “đi tắt đón đầu”, tập trung ưu tiên các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất thuận lợi về vị trí địa lý để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nên đã thu hút được một số dự án quan trọng, làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sau này...
Đến giai đoạn 2001 - 2005, khi bước đầu đã cơ bản giải quyết được những khó khăn trước mắt, có cơ hội để tạo ra những đột phá chiến lực trong phát triển các mặt kinh tế xã hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2005 lập tức chuyển hướng sang “Đẩy mạnh tiến độ quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp tập trung, trong đó đẩy mạnh quy hoạch, thu hút đầu tư nước ngoài, giải phóng mặt bằng là những ưu tiên hàng đầu”.
Kèm theo đó, tỉnh ban hành những chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư cho các chủ dự án hạ tầng xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, tạo ra bước ngoặt trong việc thu hút các dự án trong lĩnh vực công nghiệp, cơ khí chế tạo, điện - điện tử, sản xuất linh kiện ô-tô, xe máy.
Giai đoạn 2006 - 2010, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV xác định “tập trung phát triển công nghiệp và coi công nghiệp làm nền tảng của nền kinh tế nhằm tạo ra sự tăng trưởng cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tăng thu cho ngân sách nhà nước và kích thích các ngành dịch vụ, nông nghiệp phát triển, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên địa bàn”.
Thực hiện chủ trương này, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng ngoài các khu, cụm công nghiệp và môi trường đầu tư hấp dẫn, nên đã thu hút được lượng FDI lớn nhất kể từ khi tái lập tỉnh, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực điện tử, công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất linh kiện điện tử.
Giai đoạn từ 2011 - 2015, Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XV đặt mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2015, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI.
Chính sách của tỉnh trong giai đoạn này là tập trung thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ sạch, giá trị gia tăng lớn, tiết kiệm đất, hướng tới các dự án sử dụng công nghệ cao, các dự án công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh thu hút các dự án trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ nhằm hiện đại hóa nền kinh tế, tạo ra sự phát triển bền vững.
Giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI nâng cao tiêu chí đặt ra là “Phấn đấu xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, du lịch của vùng và cả nước, cơ bản hoàn thành khung đô thị tiến tới trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI”.
Chính sách của tỉnh tập trung thu hút dự án đầu tư vào các khu công nghiệp hiện có; ưu tiên các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao. Tỉnh Vĩnh Phúc chủ động quỹ đất để xây dựng các khu công nghiệp mới theo yêu cầu của thị trường, phù hợp quy hoạch được duyệt; từng bước thành lập mới và xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, Tam Dương II, Sông Lô 1, Chấn Hưng... để tạo quỹ đất phát triển công nghiệp.
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Vĩnh Phúc tiếp tục đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng và cụ thể với phương châm lấy con người làm trọng tâm hướng đến. Phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; thu nhập bình quân đầu người cao hơn cả nước, kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, trong đó, kết cấu hạ tầng đô thị Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại IV.
Có thể nói, phương thức lãnh đạo của Đảng được Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm, thường xuyên và liên tục đổi mới trên tất cả các phương diện theo hướng ngày càng phong phú, phù hợp và hiệu quả.
Qua mỗi nhiệm kỳ, phương thức lãnh đạo của Đảng về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội lại được xem xét, phân tích và đánh giá kỹ lưỡng những ưu điểm cũng như hạn chế, từ đó kịp thời đưa ra những giải pháp điều chỉnh nhanh chóng, hợp lý.
Trong lãnh đạo, điều hành luôn giữ vững nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng và quy chế làm việc của Tỉnh ủy, mở rộng dân chủ, tăng cường thảo luận, tranh luận để thống nhất, tập trung và quyết định. Việc phân công nhiệm vụ rõ ràng, minh bạch; không buông lỏng, coi nhẹ nhưng cũng không bao biện, làm thay, “lấn sân” các công việc không thuộc thẩm quyền và trách nhiệm.
Trong mọi giai đoạn phát triển của tỉnh, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy từng nhiệm kỳ đều chủ động trong xây dựng chương trình toàn khóa; trọng tâm là phát triển kinh tế-xã hội và công tác xây dựng Đảng. Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ trong các nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra, lựa chọn những vấn đề lớn, trọng tâm, nổi bật để bàn bạc, thống nhất và ra các quyết nghị phù hợp.
Hằng tháng, hằng quý đều lựa chọn các vấn đề quan trọng, vấn đề nóng, bức xúc trong Đảng, hệ thống chính trị, trong nhân dân để đưa ra thảo luận và ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Chú trọng đổi mới phương pháp lãnh đạo, phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị; chấn chỉnh kịp thời nhiều vướng mắc, hạn chế, yếu kém.
Lãnh đạo cơ quan chính quyền cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, giải pháp để thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ khá toàn diện. Kiên trì đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc, cải cách hội họp, sơ kết, tổng kết, tránh hình thức trong các cơ quan đơn vị, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng đề ra.
Có thể khẳng định, sau 25 năm kể từ khi tái lập đến nay, Vĩnh Phúc đã có những bước chuyển lớn về mọi mặt, thực sự đang dần trở thành “một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người về thăm Vĩnh Phúc năm 1963.
Kết quả ấy có được là nhờ sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, năng động, sáng tạo và hiệu quả của Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ, sự đoàn kết, đồng lòng và nỗ lực của toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh; sự giúp đỡ và ủng hộ to lớn của Trung ương, các bộ, ban, ngành, địa phương trong toàn quốc và người Vĩnh Phúc đang sinh sống, làm việc trong nước và nước ngoài.
Quang Nam