Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh, giãn cách xã hội ở một số địa phương và sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng nên số lượng vụ việc làm giả các mặt hàng có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tính phức tạp tăng hơn khi thị trường thương mại điện tử trở nên sôi động.
Bà Đỗ Thị Minh Thủy, đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết: “Trên môi trường thương mại điện tử, hàng giả xuất hiện nhanh chóng. Như khi thuốc điều trị Covid-19 vừa chính thức đưa ra thị trường thì có ngay hàng giả, cùng với đó là các mặt hàng phòng chống dịch như khẩu trang, găng tay y tế…, đặc biệt phức tạp ở Hà Nội và TP.HCM”.
Ông Hứa Quang Vinh, Công ty cổ phần nhựa Tiền Phong cho biết, các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả hiện nay rất tinh vi, nắm bắt công nghệ cũng rất nhanh, khi doanh nghiệp thay đổi công nghệ họ dễ dàng sao chép chỉ trong một thời gian ngắn.
Theo ông Vinh, các hình thức vi phạm thường diễn ra theo phương thức sản xuất trực tiếp trong nội địa hoặc được đặt hàng từ bên kia biên giới chuyển về qua đường tiểu ngạch.
“Hàng giả trong nội địa chất lượng kém, dễ dàng phát hiện, còn sản phẩm được đặt hàng sản xuất chuyển về dù chất lượng vẫn kém nhưng từ kiểu dáng, mẫu mã được sao chép tinh vi, gây khó cho công tác đấu tranh và phòng chống. Trong khi đó, quy định hiện nay của luật và chế tài xử lý hàng giả còn chưa đủ mạnh, chưa đảm bảo tính răn đe”, ông Vinh chia sẻ.
Ngoài ra, ông Vinh cho biết thêm doanh nghiệp đang rất vướng trong xác định xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Điển hình như đối tượng chỉ cần thêm 1 chữ nào đó trước chữ nhựa Tiền Phong hoặc phía sau thì lại không còn là hàng giả nữa, mà lại quy ra là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng để xác định được xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì rất nhiêu khê, nhiều thủ tục, doanh nghiệp muốn theo các vụ kiện thì rất tốn kém rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Hoàn thiện khung pháp lý cho chống hàng giả
Để chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, điều đầu tiên cần nói đến là vấn đề pháp lý. Hoàn thiện các quy định về mặt pháp lý là việc tiên quyết hàng đầu. Chính vì vậy cần rà soát, chỉnh sửa, thay đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Để khắc phục hạn chế này, bà Thủy cho biết, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã làm việc với các cơ quan liên quan để sớm hoàn thiện các văn bản pháp lý nhằm tạo ra khung, sườn để các lực lượng chức năng bám vào đó thực hiện.
Riêng về phối hợp giữa các ban ngành trong công tác đấu tranh chống hàng giả, thời gian qua, các cơ quan thực hiện khá tốt nhưng cần phát huy trong thời gian tới.
Mặt khác, doanh nghiệp dường như chưa tự chủ trong bảo vệ quyền lợi của mình. Do đó, doanh nghiệp cần biết tới các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích của mình: tự bảo vệ bằng các biện pháp công nghệ; khởi kiện dân sự những vụ việc qua đó yêu cầu bồi thường thiệt hại; phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, hải quan, thanh tra chuyên ngành…
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Xuân Khương, Cục Phòng chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cũng cho rằng, hoàn thiện pháp lý là giải pháp căn cơ phù hợp với thực tế.
Ông Khương chỉ ra các phương thức bất hợp pháp của các đối tượng vi phạm như: Nhập hàng về Việt Nam rồi gắn mác Việt Nam để xuất đi nước ngoài; hàng đặt sẵn ghi nhãn mác Việt Nam rồi xuất đi nước ngoài; một số doanh nghiệp khai thác, nhập khẩu nguyên liệu để gia công nhưng thực chất là sản phẩm hoàn chỉnh, sau đó xuất đi nước ngoài…
Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam ông Nguyễn Đăng Sinh nêu ý kiến, bên cạnh việc hoàn thiện chính sách, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng với doanh nghiệp cũng cần được cải thiện theo hướng thực chất hơn, tránh để doanh nghiệp mất niềm tin, ngại tiếp xúc.
“Doanh nghiệp tự ý thức thay đổi công nghệ để đối tượng làm giả khó khăn hơn song bản thân các đối tượng làm giả cũng nắm bắt công nghệ rất nhanh. Luật và chế tài xử lý còn nhẹ, chưa có tính răn đe nên các đối tượng sản xuất hàng giả bám theo đó để lách luật. Do đó nên xây dựng văn bản với các chế tài đủ mạnh, quy định cụ thể để xác định được mức độ xâm phạm quyền chủ thể”, ông Vinh đề nghị.
Phương Thảo