THCLĐó là yêu cầu của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đối với việc đổi mới chương trình SGK.
Nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 29
Sáng 9/3, tại Hà Nội, đã diễn ra buổi làm việc giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD&ĐT về các vấn đề GD&ĐT.
Tham dự buổi làm việc có Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ…
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng đã báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và 3 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Cụ thể, ngay sau Đại hội XII của Đảng, ngành giáo dục đã quán triệt nghị quyết tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành và tổ chức triển khai thực hiện thông qua chương trình, kế hoạch công tác để sớm đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống.
Ngành giáo dục đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản cho năm học 2016 - 2017 và những năm tiếp theo. Trong đó, tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành giáo dục để thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 với 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để chỉ đạo toàn ngành nghiên cứu, quán triệt các nội dung và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Liên quan đến công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và soạn thảo 18 đề án trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29. Bộ GD&ĐT được giao chủ trì 9 đề án. Đến nay, đã ban hành 6 đề án, đã trình 1 đề án và đang soạn thảo 2 đề án để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong năm 2017...
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định: Trách nhiệm thực hiện Nghị quyết 29 là của cả hệ thống chính trị. Trong đó, Bộ GD&ĐT là nòng cốt, chủ lực thực hiện. Từ khi có Nghị quyết 29, cán bộ quản lý giáo dục, lãnh đạo sở ban ngành phụ trách giáo dục đã có sự thay đổi nhận thức.
Quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã khái quát các vấn đề nổi cộm của GD&ĐT hiện nay:
Về chương trình, SGK phổ thông, Bộ GD&ĐT đang cố gắng cao nhất về tiến độ; đặc biệt quan tâm đến chất lượng, tính khả thi; cùng với đó, tính đến điều kiện thực hiện cho đồng bộ.
Vấn đề phân luồng học sinh, Bộ GD&ĐT sẽ kiên quyết cùng Bộ LĐ-TB&XH đẩy mạnh phân luồng, đặc biệt phân luồng ngay từ THCS với nhiều giải pháp.
Về tự chủ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT sẽ tạo điều kiện cho các trường không phân biệt công, tư
Về thi cử, Bộ GD&ĐT sẽ đổi mới theo hướng minh bạch, nhẹ nhàng, không gây tốn kém, căng thẳng; việc thi cử, kiểm tra đánh giá được chỉ đạo trong suốt quá trình học, không phải lớp 12 mới thi.
Về tự chủ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT sẽ tạo điều kiện cho các trường không phân biệt công, tư, cạnh tranh bình đẳng trên cơ sở chất lượng ...
Về chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu, đánh giá chính sách và xây dựng luận cứ để xây dựng Luật Nhà giáo với phương châm chuẩn bị thật kỹ lưỡng để khi ban hành có thể đi vào cuộc sống…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng yêu cầu: Bộ GD&ĐT tiếp tục quán triệt sâu sắc các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, đồng thời tích cực triển khai mạnh mẽ 9 giải pháp trong Nghị quyết 29. Quán triệt làm tốt hơn nữa công tác thông tin, truyền thông đối với xã hội về các chương trình, kế hoạch, quyết tâm và kết quả thực hiện của Ngành để tạo ra sự ủng hộ của toàn xã hội.
Cùng với đó, chú trọng công tác giáo dục tư tưởng, chính trị trong trường học, nhất là đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên; giải quyết kịp thời ở tầm quan điểm định hướng trên cơ sở những bức xúc nổi lên...
Với nội dung chương trình, SGK, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng yêu cầu cần tập trung đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng. Những kiến thức về khoa học tự nhiên, công nghệ trên thế giới đôi khi là sử dụng chung. Khác biệt lớn nhất xoay quanh khoa học xã hội nhân văn, mang tính đặc thù, văn hóa của từng quốc gia, từng dân tộc... Cần đi sâu nghiên cứu hướng đi này để chương trình được hài hòa, kế thừa, tiếp thu được những thành tựu thế giới, đồng thời có được bản sắc riêng.
Tại buổi làm việc, Bộ GD&ĐT đưa ra những kiến nghị, đề xuất với Ban Tuyên giáo Trung ương liên quan đến việc dạy học các môn Lý luận chính trị; có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo phân cấp quản lý nhà nước về GD&ĐT;
Chỉ đạo các bộ, ban ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học 2016 - 2017 và những năm tiếp theo để thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT;
Kịp thời trao đổi với Bộ GD&ĐT để thống nhất định hướng tư tưởng, dư luận xã hội và chỉ đạo công tác tuyên truyền về hướng khắc phục, giải quyết những vụ việc được xã hội quan tâm…
Hoan Nguyễn