Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Luật Đất đai năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua đã quy định rõ mô hình hệ thống thông tin quốc gia về đất đai là tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước.

Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của Bộ TN&MT, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ và phần mềm hệ thống, xây dựng CSDL, đảm bảo đến năm 2025 đưa Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai vào vận hành, khai thác.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện CSDL đất đai, đảm bảo đến năm 2025 đưa Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai vào vận hành, khai thác theo Luật định, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để triển khai thực hiện trong năm 2024 và 2025 với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Trong đó các nhiệm vụ cần thực hiện gồm: xây dựng, hoàn thiện dữ liệu không gian và dữ liệu thuộc tính; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm hệ thống thông tin đất đai.

Trong đó, về xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo tập trung rà soát, phân loại, đánh giá thực trạng hồ sơ, tài liệu, CSDL theo từng đơn vị hành chính cấp huyện, để xây dựng và phê duyệt phương án tổng thể về xây dựng, hoàn thiện CSDL của toàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và thời điểm phải hoàn thành CSDL để vận hành, khai thác.

Bên cạnh đó, trên cơ sở phương án tổng thể tiến hành xây dựng kế hoạch thực hiện với các giải pháp, nguồn lực khả thi, phù hợp với điều kiện của từng địa phương để hoàn thành CSDL đất đai trên địa bàn trong năm 2025. Tiếp tục tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện CSDL đất đai; bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương cho việc đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng CSDL đất đai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2018 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, trong đó cần ưu tiên kinh phí cho xây dựng CSDL đất đai.

Về giải pháp thực hiện, Công văn nêu rõ các giải pháp đối với các đơn vị hành chính đã xây dựng CSDL đất đai, tập trung rà soát, hoàn thiện CSDL đất đai; các đơn vị hành chính chưa xây dựng CSDL đất đai, thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện CSDL đất đai; giải pháp thực hiện đồng bộ giữa dữ liệu không gian (bản đồ địa chính) và dữ liệu thuộc tính (hồ sơ địa chính); Giải pháp đồng bộ giữa hiện trạng sử dụng đất và hồ sơ đất đai…

Trong đó, giải pháp đồng bộ giữa hiện trạng sử dụng đất và hồ sơ đất đai gồm: Xác định các khu vực cần chỉnh lý biến động, thực hiện chỉnh lý bản đồ địa chính theo quy định. Tiến hành kê khai đăng ký đất đai đối với các thửa đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đã biến động nhưng chưa được cập nhật vào hồ sơ địa chính; Nhập thông tin đăng ký đất đai vào hệ thống phần mềm; Tiến hành cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo nhu cầu của người sử dụng đất (nếu có).

Đối với những địa bàn mà dữ liệu đầu vào phục vụ xây dựng dữ liệu không gian và dữ liệu thuộc tính của CSDL đất đai không đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, thì thực hiện đồng bộ với đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính và đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận với xây dựng CSDL đất đai.

Sau khi xây dựng, hoàn thiện CSDL đất đai, phải đưa ngay vào quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác. Việc cập nhật dữ liệu được thực hiện ngay trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, các giao dịch về đất đai của người sử dụng đất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung, quan tâm chỉ đạo và đầu tư nguồn lực để triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị kịp thời báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn, giải quyết.

Thuỳ An (t/h)