Năm 2016, BQL Khu Kinh tế tỉnh Quảng Ninh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho Dự án xút 20.000 tấn/năm của Cty Tân Tiến. Năm 2017 Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh thương mại Tân Tiến (Công ty Tân Tiến) đã điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường và được Bộ TN&MT chấp thuận. Thế nhưng BQL KKT Quảng Ninh trì hoãn cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án có đầy đủ hồ sơ pháp lý của Cty Tân Tiến. Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh giải quyết song tới nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: BQL Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh ra văn bản sai và trái luật - Hình 1

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

Phóng viên: Thưa ông, cho đến nay BQL KKT Quảng Ninh vẫn chưa có phương án, câu trả lời thấu đáo, trách nhiệm với nhà đầu tư, theo ý kiến của ông, BQL KKT Quảng Ninh cũng như chính quyền sở tại nên ứng xử với doanh nghiệp như thế nào để họ không bị thiệt hại do “trên trải thảm dưới rải đinh”?

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Về vấn đề này, tôi đã có ý kiến với Thủ tướng và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để xem xét lại việc ra công văn của Trưởng Ban quản lý KKT Quảng Ninh (văn bản 161/BQLKKT-ĐT và văn bản 710/BQL-KKT-TNMT). Bởi việc ban hành công văn này sai vì đây không còn nằm ở giai đoạn xin chấp thuận chủ trương thu hút đầu tư mà chủ trương đầu tư đã được phê duyệt cấp phép và doanh nghiệp đã làm đầy đủ mọi thủ tục và đang tiến hành xây dựng. Chính vì vậy, văn bản này ban hành hoàn toàn sai và trái luật. Tôi đã trao đổi lại với lãnh đạo tỉnh là phải xem xét lại việc ra văn bản này đồng thời Ban quản lý không thể tự ý dừng việc xây dựng nhà máy mà phải làm việc cụ thể với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã điều chỉnh theo ý kiến của Bộ TN&MT thì đã đầy đủ tính pháp lý vì vậy không có căn cứ để dừng việc thi công xây dựng.

Phóng viên: Trong trường hợp này, đơn vị nào bảo vệ doanh nghiệp và có chế tài chặt chẽ đối với lực lượng thi hành công quyền, bởi khi DN vi phạm thì phải bị chế tài. Nhưng khi cơ quan quản lý nhà nước vi phạm thì không cớ gì lại được loại trừ trách nhiệm, thưa ông?

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Theo tôi thì UBND tỉnh Quảng Ninh nên làm việc sớm với doanh nghiệp về vấn đề này, đặc biệt là phải rút lại văn bản của Trưởng Ban quản lý KKT. Việc xử lý trách nhiệm trong vấn đề này phải thực hiện chứ không phải tỉnh hay là cấp nào. Nếu cơ quan quản lý nhà nước ở bộ phận nào sai phạm thì vẫn phải xử lý bởi chúng ta không có vùng cấm.

Phóng viên: Sau 2 năm "nhùng nhằng" về Giấy chứng nhận, Công ty Tân Tiến đã bỏ ra hàng trăm tỷ để giải phóng mặt bằng, đầu tư máy móc thiết bị nhưng không thể đi vào hoạt động, nếu kéo dài thời gian, thậm chí quyết định chấm dứt hoàn toàn dự án thì chính quyền sở tại có xem xét trách nhiệm, thiệt hại đã xảy ra với DN hay không, thưa ông?

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp, nếu họ đòi bồi thường thì hoàn toàn phải thực hiện. Bồi thường không có nghĩa là cho thực hiện mà các cơ quan quản lý dừng thi công thì cũng phải đền bù bởi bao nhiêu cơ hội, rồi số tiền hàng chục tỷ đồng mà doanh nghiệp đã bỏ ra để đầu tư không mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, việc này còn làm ảnh hưởng tới việc đầu tư của các doanh nghiệp khác.

Phóng viên: Nếu thấy có dấu hiệu làm khó cho doanh nghiệp, không nhất quán trong việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư khiến doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm tỷ... thì doanh nghiệp có nên mạnh dạn khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình hay không, thưa ông?

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp nhưng tôi nghĩ UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ nên rút giấy phép thì doanh nghiệp chắc sẽ không có khiếu kiện. Còn nếu không doanh nghiệp khởi kiện sẽ rất phức tạp.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông !

Theo Công lý