Tám tháng đầu năm 2018, BHXH Việt Nam đã giải quyết 78.092 hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và giải quyết 539.527 người hưởng trợ cấp một lần.
Đối tượng nhận BHXH một lần chủ yếu ở độ tuổi ngoài 35. Tại các doanh nghiệp (DN) thâm dụng lao động (dệt may, da giày), do điều kiện lao động khắc nghiệt nên lao động lớn tuổi không còn đủ sức khỏe để làm việc đã tự động rút khỏi thị trường lao động. Bên cạnh đó, nhiều DN tìm mọi cách để sa thải lao động lớn tuổi nhằm giảm chi phí về tiền lương, bảo hiểm.
Lao động lớn tuổi cần được hỗ trợ chuyển đổi nghề sau khi bị sa thải
Bày tỏ lo ngại về việc xu hướng người lao động nhận BHXH 1 lần tiếp tục gia tăng, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động khi hết tuổi lao động, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho rằng, hiện tại người lao động đang làm việc và tham gia BHXH để tích lũy cho cuộc sống khi về già. Vì thế, không có lý do gì khi còn trẻ, còn sức lao động, còn cơ hội lao động để trang trải cuộc sống lại nhận BHXH 1 lần. Ông Ánh cũng cho rằng, mục tiêu của chính sách BHXH là BHXH toàn dân, Quỹ BHXH được xây dựng từ sự đóng góp của người lao động cùng người sử dụng lao động nhằm đảm bảo an sinh lâu dài cho người lao động, vì vậy, người lao động nên duy trì tham gia BHXH để được thụ hưởng chính sách.
Trước xu hướng gia tăng người lao động nhận BHXH 1 lần, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kiến nghị cần thực hiện các giải pháp nhằm khuyến khích người lao động (NLĐ) khi chấm dứt hợp đồng lao động lựa chọn việc bảo lưu thời gian tham gia BHXH thông qua sửa đổi chính sách theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần. Chẳng hạn, NLĐ khi nhận BHXH một lần sẽ chỉ được nhận lại phần đóng góp của bản thân (8%), không được nhận phần do cơ quan, tổ chức, DN đóng. Các bộ, ngành liên quan cần phải nghiên cứu, tăng cường đào tạo nghề, chuyển hướng nghề nghiệp cho nhóm lao động sau 35 tuổi có khả năng bị đào thải khỏi thị trường lao động này tiếp tục có cơ hội việc làm thích hợp.
Hằng Vương