Phương pháp nuôi dạy con cái đúng chuẩn luôn là chủ đề nhận được sự quan tâm của hầu hết các bậc phụ huynh. Ngày nay, bên cạnh việc đảm bảo chăm lo cho con đủ đầy về cả vật chất lẫn tinh thần thì việc trang bị những kiến thức, kỹ năng, năng lực phán đoán và hành vi để con có thể sống tự lập cũng vô cùng quan trọng.
Là một nhà huấn luyện và tư vấn giáo dục trẻ cho các bậc phụ huynh, Eiko Tajima đã đúc rút từ những kinh nghiệm trong sự nghiệp lẫn đời sống cá nhân để đưa ra một phương pháp nuôi dạy con kiểu Nhật, giúp trẻ lớn lên trở thành những người có ích cho xã hội.
Khác với những phương pháp giáo dục con trẻ mà chúng ta thường thấy, cách tiếp cận của Eiko Tajima được đánh giá là có phần hơi ngược khi bắt đầu bằng việc tự ngẫm một đứa trẻ trưởng thành như thế nào thì được xem là người có ích, từ đó suy luận ra những thói quen không nên được hình thành từ khi còn nhỏ.
“Nếu là nhà tuyển dụng thì bạn sẽ tuyển người như thế nào? Nếu là nhà quản lý thì chúng ta muốn có nhân viên là người như thế nào? Nếu là đồng nghiệp, chúng ta sẽ muốn làm việc cùng với người như thế nào? Nếu là đối tác hay khách hàng thì sao? Nếu là vợ hoặc chồng, bạn sẽ muốn chung sống với người như thế nào? Từ những góc nhìn đó, chúng ta sẽ hình dung được nên hướng đến mục tiêu nuôi dạy con ra sao. Khi đã xác định được những mục tiêu nuôi dạy con cụ thể, chúng ta sẽ thấy được những vấn đề hiện tại và biết nên làm thế nào cho tốt hơn”, Eiko Tajima chia sẻ trong cuốn sách.
Cũng theo tác giả, quan trọng hơn cả việc tập những thói quen tốt chính là nhận diện và loại bỏ được những thói quen xấu. Chính vì thế mà thay vì đưa ra những điều “nên làm” thì Eiko Tajima lại chỉ ra những điều “cần tránh” để các bậc cha mẹ có hướng đi rõ ràng, và biết mình nên làm thế nào trong việc uốn nắn con cái.
36 thói quen cần tránh được tác giả chia thành 5 nhóm, dựa trên những hậu quả mà chúng sẽ gây ra cho tương lai của con trẻ như, những thói quen khiến trẻ trở thành “người không được xã hội xem trọng”, “người luôn tránh việc”, “người khó kết giao”, “người không có duyên thành công” và “người khó có gia đình hạnh phúc”.
Vốn dĩ, trong mắt bố mẹ, con cái luôn bé nhỏ, họ muốn được đồng hành cùng con trong mọi việc và đôi khi, không nỡ buông tay để con trưởng thành. Trong cuốn sách, cha mẹ sẽ bắt gặp nhiều hành động vô cùng quen thuộc như, đánh thức trẻ vào mỗi sáng, hay chuẩn bị đồ cá nhân cho con, giúp con mang đồ để quên đến trường, và không dạy con biết cách chia sẻ việc nhà. Thế nhưng, “Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận”. Thói quen tuy nhỏ nhưng tác hại gây ra lại có thể vô cùng lớn. Nên những hành động ấy của cha mẹ vô hình trung về lâu dài sẽ biến con trở thành người có tính ỉ lại, và gây ảnh hưởng đến việc rèn luyện tính tự lập cho trẻ.
Hơn nữa, thông qua “36 thói quen cần tránh để trẻ thực sự trưởng thành”, tác giả cũng nhấn mạnh về sức ảnh hưởng từ lối sống của cha mẹ đến quá trình phát triển của con. Dẫu biết rằng, nhân cách của trẻ không chỉ bị tác động bởi bố mẹ, mà còn từ thầy cô, bạn bè, và nhiều người khác nữa. Nhưng phần lớn, trẻ sẽ nhìn cách sống của cha mẹ mà lớn lên. Vậy nên các bậc phụ huynh cũng cần nhận thức được vấn đề này mà thay đổi bản thân và làm tấm gương sáng cho con noi theo.
Là những người bạn đồng hành đầu tiên, thấu hiểu con nhất, và cũng dành tình thương cho con nhiều nhất, nên cha mẹ luôn canh cánh về việc nuôi dạy con, đều mong mình có thể luôn hiện diện trong suốt cả hành trình con trưởng thành. Tiếc là chẳng ai có thể nuôi dạy con cả đời. Vì vậy, hãy cố gắng tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp nhất với trẻ, để khi con trưởng thành, cha mẹ có thể tự hào rằng mình đã làm rất tốt.
Nguyễn Tùng