Vai trò của chuyển đổi số là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước hiện nay. Chuyển đổi số đã làm thay đổi căn bản đời sống con người, nâng cao chất lượng cuộc sống và đem đến những tiện ích hiện đại nhờ ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như phát triển những giải pháp có tính đột phá. Thực tế, đối với hoạt động giao dịch xuyên biên giới, xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết với các đối tác nước ngoài bằng các phương thức hợp đồng điện tử từ lâu nay, đặc biệt với các đối tác tại các nước phát triển
Mặt khác, kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện cho đến nay, Việt Nam đã trải qua nhiều đợt dịch bùng phát và diễn biến phức tạp trên diện rộng, dẫn đến thói quen và hành vi của doanh nghiệp, người dân tại Việt Nam cũng thay đổi nhanh chóng. Một trong những việc thay đổi đó là doanh nghiệp đang dần chuyển từ sử dụng hợp đồng, chứng từ bằng giấy thông thường sang sử dụng hợp đồng, chứng từ điện tử. Việc ứng dụng hợp đồng điện tử không chỉ giúp cho các doanh nghiệp và khách hàng của doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn giúp giảm bớt ảnh hưởng của dịch bệnh, khoảng cách trong giao dịch thương mại.
Thực hiện Quyết định 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025”, Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam được Bộ Công Thương giao Cục thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì nghiên cứu, xây dựng, vận hành nhằm hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… trong việc kiểm tra xử lý tập trung thông tin hợp đồng của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong thương mại.
Trong năm 2022, người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng hợp đồng điện tử thay thế hoàn toàn cho hợp đồng truyền thống với giải pháp chứng thực của các Tổ chức cung cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử được cấp đăng ký bởi Bộ Công Thương.
Để thúc đẩy, phát triển ứng dụng hợp đồng điện tử tại Việt Nam nói riêng và đưa hợp đồng điện tử trở thành một đòn bẩy quan trọng để phát triển nền kinh tế nói chung, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị năm nội dung.
Một là, phải đảm bảo các tổ chức CeCA (Certified e-Contract Authority) là các tổ chức xác thực hợp đồng điện tử phải cấp đăng ký đúng quy định, đầu mối triển khai hoạt động này là Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương căn cứ theo “Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 về Thương mại điện tử” và “Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2021 Sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử”.
Hai là, Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu để hoàn tất các quy trình ứng dụng thương mại điện tử, công nghệ thông tin trong hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả và giảm thiểu được việc lãng phí giấy tờ, tiết kiệm thời gian và tạo môi trường diều hành chuyên nghiệp. Với mục tiêu duy nhất là thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam, xây dựng hạ tầng thúc đẩy thương mại điện tử an toàn, nhanh chóng, tiện lợi, bảo mật.
Ba là, các tổ chức xác thực hợp đồng điện tử có nhiệm vụ xây dựng, quản lý, duy trì, vận hành hệ thống hợp đồng điện tử kết nối với Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam, chịu trách nhiệm về tính bảo mật, toàn vẹn, không thể chối bỏ của các hợp đồng điện tử mà mình lưu trữ và xác thực, góp phần thúc đẩy chủ trương chuyển đổi số quốc gia của Thủ tướng Chính phủ.
Bốn là, các tổ chức xác thực hợp đồng điện tử, theo mô hình vận hành của Trục, phải đảm bảo:
Xây dựng, quản lý, duy trì, vận hành hệ thống kỹ thuật hợp đồng điện tử kết nối với Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam;
Chịu trách nhiệm khởi tạo, quản lý hợp đồng điện tử đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 33, 34 Luật Giao dịch điện tử 2005;
Định kỳ tối ưu, cập nhật hệ thống, xây dựng hệ thống đa nền tảng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng hợp đồng điện tử của doanh nghiệp, người dân sử dụng;
Đảm bảo, chịu trách nhiệm về tính bảo mật, toàn vẹn, xác định nguồn gốc, tính không thể chối bỏ của các hợp đồng điện tử mà mình lưu trữ và xác thực;
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, đảm bảo việc triển khai, vận hành, xử lý sự cố phát sinh diễn ra đúng luật, đúng quy định, bảo vệ quyền lợi các chủ thể ký hợp đồng điện tử.
Năm là Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Vụ Pháp chế và các đơn vị khác liên quan của Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông, góp ý, xây dựng dự thảo Luật Giao dịch điện tử, đảm bảo sự phát triển của hoạt động ứng dụng hợp đồng điện tử thuận lợi, nhanh chóng, đúng quy định và vì sự phát triển chung.
Anh Minh