Đây được coi là bài toán về hiệu quả kinh tế lâu dài khi mở rộng thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, tiềm năng tại thị trường này là rất lớn, nhưng để tận dụng được cơ hội, Việt Nam cần có chiến lược dài hạn. Nhưng để đưa trái cây của Việt Nam đi sâu vào nội địa Trung Quốc, trước hết phải tổ chức lại sản xuất trái cây theo hướng sản xuất lớn, sản xuất tập trung và tạo ra được những sản phẩm có chất lượng cao, an toàn cho người sử dụng và đáp ứng được các quy định của thị trường Trung Quốc.

Đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm và chất lượng. Những quy định khắt khe về kiểm dịch và chất lượng là tiêu chí bắt buộc giúp sản phẩm của Việt Nam tồn tại và phát triển lâu dài trong thị trường tỷ dân này. Doanh nghiệp cần phải đầu tư nghiêm túc vào quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng để đảm bảo sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn mà họ đặt ra.

Bên cạnh đó, sử dụng công nghệ bảo quản giúp đảm bảo trái cây Việt Nam giữ được giá trị dinh dưỡng và độ tươi ngon sau quá trình vận chuyển dài ngày. Với khoảng cách lớn giữa Việt Nam và các tỉnh phía Bắc Trung Quốc, việc áp dụng công nghệ bảo quản hiện đại giúp giảm thiểu rủi ro về chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Công nghiệp chế biến cần được chú trọng để nâng cao giá trị sản phẩm. Việc chế biến sâu tạo ra các sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng đa dạng tại Trung Quốc. Sự phong phú trong sản phẩm sẽ mở rộng khả năng tiếp cận của trái cây Việt Nam vào các thị trường lớn như Bắc Kinh và các tỉnh lục địa, đồng thời tăng tính cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực.

Ngoài ra, củng cố hệ thống logistics. Sự phát triển của các phương thức vận chuyển hiện đại và nhanh chóng giúp tối ưu hóa chi phí vận chuyển, từ đó tăng cường tính cạnh tranh của sản phẩm. Việc xây dựng một hệ thống logistics toàn diện không chỉ phục vụ cho nhu cầu hiện tại mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển dài hạn của ngành nông sản.

Đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Bình cũng chỉ ra rằng, để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy kinh doanh. Thay vì phụ thuộc vào việc bán hàng tại chỗ, các doanh nghiệp cần chủ động đưa sản phẩm đến những thị trường mới, phát triển mạng lưới phân phối hiện đại.

Thực tế, sự thiếu chủ động trong việc tiếp cận các thị trường lớn và trung tâm phân phối tại Trung Quốc là một trở ngại lớn cho trái cây Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp cần tích cực tìm kiếm đối tác mới, đặc biệt tại các chợ đầu mối lớn, để xây dựng mạng lưới tiêu thụ rộng khắp.

Việc mở cửa cho các loại trái cây mới như bưởi, na, bơ có thể tạo thêm cơ hội lớn cho trái cây Việt Nam. Đây là những giải pháp mang tính chiến lược, giúp đa dạng hóa danh mục xuất khẩu, tăng cường sự hiện diện của nông sản Việt Nam trên thị trường Trung Quốc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Sầu riêng được nhận định là “át chủ bài” xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc với nhiều tiềm năng và lợi thế.
Sầu riêng được nhận định là “át chủ bài” xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc với nhiều tiềm năng và lợi thế.

Đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đưa trái cây Việt Nam đi sâu vào thị trường Trung Quốc, trong thời gian tới, Vinafruit sẽ xem xét, sắp xếp, tổ chức lại các hoạt động nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp để cùng nhau đưa trái cây Việt Nam đến những khu vực, những thị trường mới, cùng tìm kiếm, nắm bắt những cơ hội mới về thị trường. Vinafruit sẽ cố gắng làm sao để hỗ trợ cho các doanh nghiệp cùng hợp tác với nhau, qua đó bảo vệ được lợi ích của các doanh nghiệp.

Từ góc độ chính sách, ông Bình cũng kêu gọi các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc nhằm mở rộng các Nghị định thư, gia tăng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, từ đó nâng cao diện tích và sản lượng trái cây được phép xuất khẩu. Những Nghị định thư được ký kết cũng đã giúp nông sản của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ.

PV (t/h)