Tại Công văn số 4349/VPCP-KTTH, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể việc thực hiện quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2020 quy định, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô (sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô).
Bộ Tài chính nhận thấy, do có những đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội, nên ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô là một trong 6 ngành được ưu tiên phát triển.
Bộ Tài chính đã gửi hồ sơ xin ý kiến các bộ, ngành liên quan đề nghị không bỏ quy định điều kiện về sản lượng mà sửa đổi quy định này cho phù hợp thực tế nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra; đồng thời, việc nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi cần đảm bảo sự đồng bộ của chính sách, nâng cao hiệu quả của việc thực hiện Chương trình.
Sau khi kết thúc Chương trình ưu đãi thuế đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (áp dụng kể từ ngày 16/11/2017 đến ngày 31/12/2022), Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục thực hiện Chương trình ưu đãi thuế sau năm 2022.
Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh hàng rào thuế quan đối với xe ô tô nguyên chiếc từng bước được xóa bỏ theo các hiệp định tự do thương mại và trên cơ sở các kết quả đạt được từ việc thực hiện Chương trình giai đoạn vừa qua, việc tiếp tục ưu đãi thuế là cần thiết và là căn cứ quan trọng để các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, đi kèm với đề xuất cho phép tiếp tục thực hiện Chương trình ưu đãi thuế sau năm 2022, Bộ Tài chính cũng đề xuất ngoài việc khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư, cần phải có các chính sách đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là nhân sự làm công tác nghiên cứu và phát triển.
Bên cạnh đó, để được tham gia Chương trình ưu đãi thuế và được áp dụng thuế nhập khẩu 0% đối với linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định, thì doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về sản lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp. Việc yêu cầu đáp ứng điều kiện về sản lượng là cần thiết, để đảm bảo các doanh nghiệp tham gia Chương trình ưu đãi phải đầu tư và đảm bảo quy mô, nâng cao năng lực sản xuất, lắp ráp xe.
Bảo Lâm