Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ có đề xuất mở rộng quy mô tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ từ quy mô 6 làn hiện nay lên 8-10 làn xe theo hình thức BOT.

Theo quy mô thiết kế, tuyến đường với quy mô 6 làn xe đáp ứng tối đa lưu lượng khoảng 92.000 PCU (xe quy đổi)/ngày đêm. Tuy nhiên, lưu lượng thực tế trong năm 2020 đã lên tới hơn 100.000 PCU/ngày đêm.

Nếu không đầu tư mở rộng, tình trạng ách tắc, ùn ứ giao thông trên tuyến sẽ vẫn tiếp tục xảy ra, nhất là các dịp lễ Tết.

Đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ
Đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, việc bổ sung hạng mục này vào dự án lại chưa phù hợp với Nghị quyết 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Được biết, Nghị quyết 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: “Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.”

Do đó, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ kiến nghị Ủy ban Kinh tế Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh, bổ sung các nội dung Nghị quyết 437 để bổ sung mở rộng quy mô cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ từ 6 làn xe hiện có lên 8-10 làn vào dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ theo hình thức BOT để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Trường hợp được cấp thẩm quyền chấp thuận, phía Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ sẽ tiến hành nghiên cứu lập dự án đầu tư và tổ chức thực hiện trong khoảng 3-5 năm sẽ hoàn thành việc mở rộng tuyến đường lên 8-10 làn xe.

Được biết, cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ là tuyến huyết mạch cửa ngõ phía Nam thành phố Hà Nội được đầu tư theo hình thức BOT. Tuyến đường dài 29km với 6 làn, có tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng.

Dự án được đầu tư theo 2 giai đoạn trong đó giai đoạn 1 nâng cấp mặt đường hiện hữu 4 làn xe với tổng mức đầu tư 1.973 tỷ đồng, hoàn thành năm 2015. Giai đoạn 2 đầu tư mở rộng lên quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư 4.757 tỷ đồng, hoàn thành năm 2018.

PV