Theo Bộ Giao thông Vận tải, chỉ những tuyến cao tốc nào có chất lượng dịch vụ tương ứng với mức thu mới triển khai thu phí. Đường cao tốc Nhà nước thu phí không phải vì lợi nhuận mà hoàn trả một phần kinh phí cho công tác bảo trì, duy tu tuyến đường, hoặc đầu tư đường cao tốc mới.
Có hai hình thức thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Phương án 1 là cơ quan quản lý tài sản là Cục Đường bộ tự tổ chức thu. Khi đó, Cục Đường bộ sẽ tiến hành đấu thầu nhà thầu cung cấp dịch vụ thu phí trên nền tảng hệ thống hạ tầng thu phí. Phương án này có nhược điểm là hình thức thu phí dần dần, sau khi trừ đi chi phí tổ chức thu thì nộp ngân sách Nhà nước.
Phương án 2 là đấu thầu hợp đồng kinh doanh – quản lý (hợp đồng O&M), nghĩa là Nhà nước bán bản quyền thu phí từ 5-10 năm và sẽ thu luôn được một khoản tiền mà nhà đầu tư chi trả trực tiếp. Nhà đầu tư thu phí và tiến hành bảo dưỡng, bảo trì luôn tuyến đường này sẽ góp phần đảm bảo hạ tầng mặt đường, các dịch vụ đi kèm. Tuy nhiên, phương án này chưa chắc đã đủ hấp dẫn để nhà đầu tư tham gia đấu thầu vì có những đường ở vùng miền lưu lượng xe thấp.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã chuẩn bị các phương án, nếu tư nhân không làm thì Nhà nước phải làm trên tinh thần cung cấp dịch vụ công. Về mức thu phí, cần đảm bảo cân bằng, tránh tác động quá lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và làm tăng cao chi phí logistics.
Phương Thảo (t/h)