Đại diện Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thông tin, thời gian thực hiện dự án bắt đầu từ năm 2026 – 2031 và triển khai tại 12 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Mục tiêu của dự án nhằm thúc đẩy sản xuất gạo carbon thấp, chất lượng cao và sẽ được đo bằng các chỉ số tăng năng suất, sản lượng lúa gạo, thu nhập của người dân, giảm phát thải khí nhà kính và thanh toán tín dụng carbon.
Dự kiến nhu cầu đầu tư của dự án hơn 472 triệu USD; trong đó, vốn vay Ngân hàng thế giới 360 triệu USD; vốn đối ứng hơn 112 triệu USD và nguồn vốn khác huy động cho dự án khoảng 68 triệu USD. Theo đó, diện tích lúa triển khai của dự án 949.000 ha và mỗi ha sẽ được đầu tư từ 325 đến 794 USD/ha.
Ông Nguyễn Thế Hinh, Phó trưởng Ban Quản lý các dự án nông nghiệp cho biết, dự án được chia làm 3 hợp phần gồm đầu tư cơ sở hạ tầng; phát triển và chuyển giao kỹ thuật và quản lý dự án. Trong hợp phần 1 sẽ đầu tư hệ thống thuỷ lợi, hỗ trợ nông nghiệp kỹ thuật số, hạ tầng chuỗi giá trị lúa gạo, hệ thống giao thông, năng lượng xanh, các nền tảng trực tuyến và thương mại điện tử để nâng cao chuỗi giá trị gạo carbon thấp tại 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Theo ông Nguyễn Thế Hinh, hợp phần 2 sẽ nâng cao năng lực kỹ thuật cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh trong nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ. Hợp phần này gồm nhiều lĩnh vực về nghiên cứu, phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu và carbon thấp; công nghệ cải tiến tiết kiệm nước, phương án bón phân giảm khí nhà kính; tổ chức lại sản xuất; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tuần hoàn và giảm chất thải.
Còn đối với hợp phần 3 sẽ cung cấp hỗ trợ trong việc điều phối, quản lý, giám sát và đánh giá dự án được triển khai theo các mục tiêu, chỉ tiêu và hiệu quả.
“Mục tiêu của dự án sẽ được đo lường bằng các chỉ số như tăng năng suất và sản lượng lúa gạo, thu nhập của nông dân, giảm khí thải nhà kính và thanh toán tín dụng Carbon dựa trên kết quả. Tổng nhu cầu đầu tư là 472,6 triệu USD là toàn dự án, trong đó vốn vay của WB là 360 triệu USD; vốn đối ứng là 112,6 triệu USD và các vốn khác gồm các hạng mục không hợp lệ, bố trí đầu tư công là 68 triệu USD, tổng diện tích lúa đưa vào dự án 949.000 ha và suất đầu tư dao động từ 325 đến 794 USD/ha”, ông Nguyễn Thế Hinhnhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định, đề án một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL là đề án của Chính phủ đòi hỏi phải có cơ chế đồng bộ không chỉ ở một triệu ha mà còn nhân rộng diện tích ra 3,8 triệu ha theo chương trình lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Có 4 nội dung cần quan tâm của dự án là hệ thống thủy lợi; quy hoạch; vấn đề giao thông và cơ giới hóa đồng bộ. Đối với nguồn vốn vay từ Ngân hàng thế giới rất cần thiết để hỗ trợ cho những nguồn lực thực hiện đề án.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng và kỹ thuật giai đoạn 2026 – 2031 có hai nguồn vốn. Thứ nhất là nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới và nguồn vốn từ đầu tư công trung hạn. Bên cạnh đó, ở dự án này cần phải đặc biệt quan tâm đến hệ thống thủy lợi nội đồng, trạm bơm và quy hoạch của từng địa phương. Ngoài ra, vấn đề giao thông nội đồng cần được quan tâm để giảm chi phí vận chuyển, tăng hiệu quả và vấn đề cần quan tâm cuối cùng là cơ giới hóa đồng bộ.
Đề án một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường và đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực cùng với cộng đồng quốc tế thực hiện các cam kết và xu hướng toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó xác định giảm phát thải khí nhà kính là một trong những nỗ lực đang được thực hiện.
Hải Dương (t/h)