Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Đề án 1 triệu ha lúa vùng ĐBSCL yêu cầu “chuyên nghiệp hóa ngành hàng lúa gạo”

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để khắc phục tính phân mảnh, manh mún, nhỏ lẻ, tự phát trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đề án xác định yêu cầu tiên quyết: “Chuyên nghiệp hóa ngành hàng lúa gạo”, thông qua việc hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp,…

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai Kế hoạch Thực hiện “Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030” vào ngày 05/02 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Chuyên nghiệp hóa ngành hàng lúa gạo

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Đề án hướng tới việc chuyển đổi theo tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa giống, chuẩn hóa quy trình canh tác, chuẩn hoá công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, chuẩn hóa mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Từ tăng trưởng đơn giá trị, lấy giá cả hạt gạo làm mục tiêu, Đề án đặt ra mục tiêu tăng trưởng tích hợp đa giá trị, gắn với mô hình tăng trưởng xanh, nông nghiệp tuần hoàn, theo chuỗi ngành hàng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị. (Ảnh VOV.VN)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị. (Ảnh VOV.VN)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, để khắc phục tính phân mảnh, manh mún, nhỏ lẻ, tự phát trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đề án xác định yêu cầu tiên quyết: “chuyên nghiệp hóa ngành hàng lúa gạo”, thông qua việc hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, cập nhật tri thức, kỹ năng cho nông dân, nâng cao năng lực quản trị, khả năng hợp tác của những tổ chức nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, đủ năng lực liên kết bền vững với doanh nghiệp.

“Đề án phác thảo bức tranh phát triển tổng thể hơn, bao trùm hơn. Nhiều cơ hội việc làm được tạo ra, thu nhập cho người trồng lúa được cải thiện, nhờ những ngành nghề đa dạng, bổ trợ nhau trong khu vực kinh tế nông thôn. Nhờ vào các hình thức hợp tác, liên kết, nhờ vào các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp, các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, người trồng lúa có thể tham gia tích cực hơn, chủ động hơn vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo ở những công đoạn phù hợp”, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, Đề án mong muốn tạo dựng hình ảnh một ngành hàng lúa gạo “minh bạch, trách nhiệm, bền vững”. Đề án không chỉ nhận được sự quan tâm lớn lao của bộ, ngành trung ương và địa phương, các tổ chức, đối tác quốc tế, mà còn hàng triệu bà con nông dân trồng lúa, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp ngành hàng lúa gạo.

Bộ trưởng nhấn mạnh, để Đề án đạt được hiệu quả thực tế trên những cánh đồng, cần đến cách thức tiếp cận “ngoài khung”, ngoài những cách nghĩ, cách làm quen thuộc. Cần đến sự đổi mới linh hoạt, chủ động, không ngừng từ thể chế, các vấn đề mang tính nguyên tắc, đến từng nội dung quản trị, vận hành cụ thể, chi tiết.

Tại hội nghị các đại biểu tham dự đã chỉ ra những điểm cần lưu ý, những điều có thể gây ra vướng mắc, để cùng tìm ra giải pháp và thống nhất về kế hoạch triển khai thực hiện khả thi, hiệu quả.

Một triệu ha lúa phải “hết lòng - tuân thủ - linh hoạt - hợp tác - kiểm soát”

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Chúng ta bàn về câu chuyện hạt gạo với một tư duy mới, một cách làm mới, đó là xu thế, yêu cầu mới đòi hỏi chúng ta phải làm.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng lưu ý 10 chữ trong thực hiện đề án phát triển một triệu héc-ta lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng lưu ý 10 chữ trong thực hiện đề án phát triển một triệu héc-ta lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng lưu ý 10 chữ trong thực hiện đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long là “hết lòng” phải hết lòng với đề án từ Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và sau đó là doanh nghiệp để cùng thúc đẩy để người nông dân hết lòng với đề án.

Tiếp theo là hai chữ “tuân thủ” vì nếu không tuân thủ kế hoạch, nguyên tắc, quy định, tiêu chuẩn thì chúng ta thất bại. Hai chữ tiếp theo là “linh hoạt”, phải tuân thủ trong nguyên tắc nhưng phải linh hoạt trong cách ứng xử vì thị trường luôn luôn biến động, việc linh hoạt để phù hợp với từng vùng, từng địa phương.

Hai chữ tiếp theo là sự “hợp tác”, sự hợp tác này giữa các cơ quan Trung ương với nhau, với các địa phương và sự hợp tác của các doanh nghiệp, nếu hợp tác, phối hợp tốt, lồng ghép tốt các chương trình sẽ tạo được sức mạnh và chúng ta cùng thắng. Và hai chữ cuối được Phó Thủ tướng nhắc tới là “kiểm soát”, phải có sự kiểm soát để không bị lệch hướng và kịp thời điều chỉnh linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế đang biến động từng ngày.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ: "Với tư cách là Phó Thủ tướng được Thủ tướng giao phụ trách lĩnh vực này sẽ cam kết đồng hành cùng các đồng chí trong thực hiện đề án này mà trước hết, trước mắt là Bộ Nông nghiệp trình ngay ba kiến nghị trong kế hoạch này. Và cũng mong đặc biệt là Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp các đồng chí lưu ý làm sao để có tiền cho cái đề án này. Nhưng cái thứ hai còn quan trọng hơn là có những thể chế thay đổi, những rào cản được xóa đi để có thể lồng ghép những chương trình với nhau".

Đề án 1 triệu ha lúa, sự kỳ vọng của người dân ĐBSCL.
Đề án 1 triệu ha lúa, sự kỳ vọng của người dân ĐBSCL.

Đề án một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Đề án được triển khai tại 12 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, giai đoạn 1 (2024 - 2025) sẽ tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000 héc ta, bao gồm công tác tập huấn, xây dựng kế hoạch, xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định, kiểm đếm và thí điểm cấp tín chỉ các-bon cho những vùng lúa đạt chuẩn, củng cố các hợp tác xã, duy tu bảo dưỡng một số công trình và chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2026 - 2030.

Giai đoạn 2 (2026 - 2030) xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 820.000 ha. Giai đoạn này sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu như đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị.

Minh An (t/h)

Bài liên quan

Tin mới

Mở rộng không gian xanh cho Hà Nội: Nâng cao chất lượng sống của người dân
Mở rộng không gian xanh cho Hà Nội: Nâng cao chất lượng sống của người dân

Trong cơn lốc đô thị hóa, san sát những tòa nhà cao tầng, đâu đó dở dang những khối bê tông với ồn ã khói bụi công trường, người ta thường vọng về một Hà Nội xưa giản dị, trầm mặc cùng những hàng cây cổ thụ trên con phố quen...

Hải Dương: Sắp tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà
Hải Dương: Sắp tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà

Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản Hải Dương sẽ được tổ chức vào 9/5 nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...

Nhật ký chiến trường Điện Biên Phủ trong tranh của cố họa sĩ Lê Huy Toàn
Nhật ký chiến trường Điện Biên Phủ trong tranh của cố họa sĩ Lê Huy Toàn

NDO - 70 bức tranh của cố họa sĩ Lê Huy Toàn trong một triển lãm đặc biệt nhân kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ mang tên “Ký ức Điện Biên” không chỉ là những trang nhật ký về những ngày tháng cam go ác liệt tại chiến trường Điện Biên Phủ, những hình ảnh đẹp về vùng đất và con người Tây Bắc, nơi họa sĩ đã gắn bó, mà còn cho thấy cảm xúc, những tình cảm từ trái tim của một người lính cầm cọ giữa cuộc chiến đầy khốc liệt.

Đã khởi công, triển khai thủ tục 9/29 dự án giao thông lớn liên kết vùng Đông Nam Bộ
Đã khởi công, triển khai thủ tục 9/29 dự án giao thông lớn liên kết vùng Đông Nam Bộ

Đến nay, trong số 29 dự án giao thông quan trọng, liên kết vùng Đông Nam Bộ, đã có 4 dự án khởi công, 5 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư và 20 dự án đang được nghiên cứu, trong đó có tuyến Vành đai 4 TPHCM dài khoảng 206 km và dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Hà Nội triển khai cắt tỉa cây xanh đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão
Hà Nội triển khai cắt tỉa cây xanh đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cây xanh bị gãy, đổ trong mùa mưa bão năm 2024, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội sẽ cắt, tỉa khoảng 90.000 - 100.000 cây xanh. Ngoài ra, công ty cũng tăng cường kiểm tra, khảo sát để sớm phát hiện những cây xanh nguy hiểm, đưa vào kế hoạch chặt hạ trước mùa mưa bão.

Bình Dương: Lắp đặt lại biển cảnh báo "chưa đủ điều kiện huy động vốn" tại Dự án Charm Diamond
Bình Dương: Lắp đặt lại biển cảnh báo "chưa đủ điều kiện huy động vốn" tại Dự án Charm Diamond

Tấm biển cảnh báo “dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, huy động vốn do chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý theo quy định” đặt trước tổ hợp khu căn hộ Charm Plaza 1 (tên thương mại Charm Diamond) vừa được UBND phường Dĩ An, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương lắp đặt lại sau khi tấm biển trước đó “tự dưng” bị gỡ bỏ.