Trường hợp thứ nhất là nam thanh niên 17 tuổi (trú tại buôn Năng, xã Cư Prao, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk). Trước đó, ngày 8/8, người này khởi bệnh với các triệu chứng sốt, ho, đau họng, mệt mỏi.
Ba ngày sau, bệnh nhân nhập viện và được chẩn đoán nghi bạch hầu, viêm amidan có mủ. Kết quả xét nghiệm cho thấy, người này dương tính với bạch hầu. Đây là trường hợp thứ tám trên địa bàn huyện.
Ngành y tế Đắk Lắk tiêm chủng vaccine bạch hầu cho trẻ em vùng sâu vùng xa
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân nam 20 tuổi (trú tại thôn Ea Uôl, xã Cư Pui, huyện Krông Bông). Đến nay, xã Cư Pui đã có 10 ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu, trong đó thôn Ea Uôl có 4 trường hợp.
Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 33 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Ngay sau khi ghi nhận ca bệnh, ngành y tế cùng chính quyền địa phương đã triển khai khoanh vùng cách ly, phun thuốc khử khuẩn, điều tra lịch sử tiếp xúc của ca bệnh, cho người dân tiếp xúc gần với ca bệnh uống kháng sinh dự phòng, lập chốt kiểm soát người ra vào vùng dịch.
Theo ông Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tết tỉnh Đắk Lắk, tính đến thời điểm này, đã có gần 81 nghìn người trong vùng dịch được tiêm phòng vắc xin đợt 1. Trong những ngày tới, công tác tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho những vùng có ca bệnh và vùng lõm về tiêm chủng của tỉnh đượ ngành y tế Đắk Lắk tích cực triển khai.
Thiên Trường