Doanh nghiệp “bức xúc”, người dân “bất bình”!
Vừa qua, báo Thương hiệu và công luận nhận được đơn thư phản ánh của Công ty TNHH Quốc Trưởng (Cty Quốc Trưởng) về việc bị mất điện 32 giờ, nhưng phía Điện lực TP. Hải Dương (trực thuộc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương) không có lý do chính đáng, khiến cho doanh nghiệp, cùng hơn 4.000 nhân khẩu tại xã Nam Đồng, TP. Hải Dương “lao đao” vì không có điện sản xuất và sinh hoạt.
Cụ thể, theo đơn thư của Cty Quốc Trưởng gửi cơ quan báo chí có nêu rõ, sự việc xảy ra tại máy biến áp 320kVA-35(22)/0,4kV cấp điện cho thôn Nhân Nghĩa, xã Nam Đồng, TP. Hải Dương bị mất điện do gặp sự cố. Với chức năng nhiệm vụ của mình, Cty Quốc Trưởng ngay sau đó đã thay thế máy biến áp mới. Tuy nhiên vẫn không được phía Điện lực TP. Hải Dương đóng điện, mà phải tới 32 giờ sau đó mới có điện trở lại, khiến cho doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề, đời sống của nhân dân bị đảo lộn.
Đơn thư của Công ty TNHH Quốc Trưởng
Trao đổi với PV, ông Đỗ Trọng Thiên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc Trưởng cho biết: “Sự việc xảy ra vào khoảng 23h ngày 4/1/2018. Ngay sau khi xảy ra sự cố, vợ tôi có gọi điện cho trực ca tại Điện lực TP. Hải Dương. Khoảng nửa đêm thì có nhân viên của Điện lực TP. Hải Dương xuống chèo lên kiểm tra, nhưng không lập biên bản mà ra về, cũng không tư vấn hay hướng dẫn cho chúng tôi phải làm như thế nào. Ngay buổi sáng hôm sau, tôi phải lo việc mua máy biến áp mới bên Đông Anh để thay thế máy biến áp cũ. Sau khi mua được máy về thay thế máy biến áp cũ là vào khoảng 14h ngày 5/1/2018. Tuy nhiên, sau khi thay thế máy biến áp mới, phía Điện lực TP. Hải Dương & Trung tâm thí nghiệm không đóng điện cho chúng tôi mà lại yêu cầu phải tháo máy mang về trung tâm kiểm định, trong khi máy chúng tôi mua là máy mới 100% và mọi thông số theo quy định đều đảm bảo. Từ lúc hoàn thành lắp đặt và thay thế máy mới, tới lúc có điện kéo dài khoảng 32 tiếng, chưa kể cả thời gian gặp sự cố, khiến cho chúng tôi thiệt hại không nhỏ. Nhưng đến nay chưa nhận được bất cứ lời giải thích nào, cũng như việc đền bù thiệt hại từ phía Điện lực TP. Hải Dương”.
Ông Thiên cũng cho biết thêm: “Theo hợp đồng mua bán điện giữa Cty của ông và Điện lực TP. Hải Dương do ông Đào Quang Trường, Giám đốc Điện lực TP. Hải Dương ký kết. Nghĩa vụ của chúng tôi là thuê một bên thứ 3 để sửa chữa chúng tôi không có nghiệp vụ trong lĩnh vực thí nghiệm điện, vì thế việc yêu cầu tháo máy biến áp để kiểm định không phải là trách nhiệm của Công ty Quốc Trưởng. Sự việc kéo dài 32 tiếng khiến cho doanh nghiệp thiệt hại khoảng hơn 1,5 tỷ đồng. Đó là chưa tính chi tiết đến thiệt hại của các hộ dân và công ty sản xuất trên địa bàn. Chỉ tính ngày 5/1, có rất nhiều đám cưới chúng tôi phải bỏ tiền ra thuê máy phát điện hoặc mua lại điện từ nơi khác. Trong khi đó, có rất nhiều công ty phải cho công nhân nghỉ việc vì không có điện sản xuất. Sự việc trên, tôi rất mong muốn phải làm rõ trách nhiệm thuộc về ai khi để thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp.”
Ông Đỗ Trọng Thiên, Giám đốc Cty Quốc Trưởng trao đổi với PV
Trong khi trao đổi với PV, ông Thiên còn “thẳng thắn” cho biết, chúng tôi đã trình đầy đủ các loại giấy tờ chứng nhận của phía bên cung cấp máy phát điện, cả thư đảm bảo nếu có sự cố sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm nhưng phía Điện lực TP. Hải Dương vẫn yêu cầu tháo xuống và đi kiểm định. Sau đó, cho biết máy biến áp của chúng tôi không đạt tiêu chuẩn 8525:2015 và yêu cầu thay máy mới. Một lần nữa chúng tôi lại phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ và tốn kém thời gian để đi thay thế máy biến áp. Nếu như phía Điện lực TP. Hải Dương cho rằng máy biến áp cần phải kiểm định, tại sao không mang máy của công ty đến để cung cấp kịp thời điện sinh hoạt cho người dân, mà phải kéo dài tới 32 tiếng đồng hồ mới đóng điện trở lại?”
Trao đổi với một số hộ dân “bức xúc” nói: “Ông Điện lực cậy độc quyền, nên mất điện cục bộ như vậy mà để cho người dân chúng tôi 3 ngày mới đóng điện, cũng không cho biết vì sao? Trong khi gia đình tôi mấy ngày đó có đám cưới con nên vô cùng khổ sở…”.
Điện lực TP. Hải Dương “bất chấp” quy định chung trong kinh doanh?
Tại quyết định số 1050/QĐ-EVN ngày 07/9 /2017 của Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam đã ban hành Quy trình kinh doanh điện năng do ông Đặng Hoàng An – Tổng giám đốc đã ký. Trong quy trình kinh doanh điện năng áp dụng các quy định chung và các điều khoản chung được thể hiện cụ thể đối với sự việc mất điện trên lưới mà Cty Quốc Trưởng đang phản ánh. Được thể hiện tại Điều 7, trang 46 về quy trình ký kết và quản lý hợp đồng mua bán điện - Quyền và nghĩa vụ của Bên A cụ thể sau: “Tiến hành xử lý sự cố để khôi phục cấp điện sau 2 giờ kể từ khi phát hiện hoặc nhận được thông báo của Bên B về sự cố lưới điện do Bên A quản lý. Trường hợp không thực hiện được trong thời hạn trên thì phải thông báo cho Bên B về nguyên nhân và dự kiến thời gian cấp điện trở lại”. Cũng tại Điều 7 nêu rõ: “Bồi thường thiệt hại cho Bên B những thiệt hại trực tiếp do lỗi chủ quan của Bên A gây ra, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng”.
Quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Trong khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc đang “nỗ lực” hết mình trong khâu phục vụ khách hàng, thì tại Điện lực TP. Hải Dương lại gây “sách nhiễu” và “khó khăn” cho doanh nghiệp, đã gây thiệt hại không nhỏ tới doanh nghiệp cũng như đời sống của nhân dân. Phải chăng, phía Điện lực TP. Hải Dương đang đi ngược lại với phương châm mà Tập đoàn và Tổng Cty đang hướng đến?
Dư luận không khỏi thắc mắc, lý do vì sao mà phía Điện lực TP. Hải Dương lại không đóng điện khi doanh nghiệp đã thay thế máy biến áp mới ngay sau sự cố?.
Với những thiệt hại chưa thể đong đếm, cũng như đời sống của hơn 4000 hộ dân bị ảnh hưởng, vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước sự cố trên? Câu hỏi này có lẽ sẽ dành cho lãnh đạo Cty TNHH MTV Điện lực Hải Dương trả lời “thỏa đáng” trước công luận!?
Theo một số nguồn tin đáng tin cậy mà PV có được, hiện nay sự việc trên đã được Tổng Công ty Điện lực miền Bắc thành lập đoàn thanh tra, cũng như làm rõ những kiến nghị của phía Cty Quốc Trưởng. Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra còn “phát lộ” ra hàng loạt sai phạm tại Điện lực TP. Hải Dương do ông Đào Quang Trường điều hành. Sự việc mất điện 32 giờ chỉ như “ngòi châm” cho hàng loạt “phát nổ” phía sau tại Điện lực TP. Hải Dương.
Báo Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Cao Huyền – Quang Nam