Nhân viên Hãng Air France tuần hành yêu cầu tăng lương tại sân bay Charles de Gaulle ở Roissy, ngoại ô Paris ngày 22/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo Air France, các phi công, tiếp viên và nhân viên mặt đất của hãng sẽ tiếp tục đình công trong hai ngày 10-11/4, đưa tổng số ngày đình công lên 7 ngày, kể từ khi đình công bắt đầu vào ngày 22/2.
Air France cho biết 1/4 số chuyến bay trong ngày 10/4 sẽ bị hủy bỏ, trong khi thông tin về các chuyến bay trong ngày 11/4 sẽ được thông báo sau.
Ước tính, đợt đình công 7 ngày trong thời gian từ 22/2 đến 11/4 sẽ gây thiệt hại cho Air France 170 triệu euro.
Dự kiến đình công vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong các ngày 17, 18, 23 và 24/4 tới.
Các nghiệp đoàn cho rằng các nhân viên của Air France xứng đáng được trả lương cao hơn sau khi chính sách "thắt lưng buộc bụng" của hãng trong nhiều năm qua đã đem lại kết quả kinh doanh tốt cho hãng.
Kể từ năm 2011, Air France đã ngừng tăng lương cho nhân viên.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo hãng cho rằng mức tăng lương 6% mà các nghiệp đoàn yêu cầu là đòi hỏi "vô trách nhiệm" trong bối cảnh hãng đang nỗ lực giảm thiểu chi phí để cạnh tranh với nhiều hãng hàng không giá rẻ khác như Ryanair hay Easyjet, theo đó lãnh đạo Air France đề xuất mức tăng lương 1% và một khoản bù thêm cho nhân viên mặt đất. Đề xuất này đã vấp phải sự phản đối từ các tổ chức công đoàn.
Trong khi đó, tại Đức, hàng nghìn hành khách ngày 10/4 đã bị mắc kẹt tại 4 sân bay của nước này bao gồm sân bay lớn nhất Frankfurt do nhân viên mặt đất và các công chức, viên chức trong các ngành nghề khác tiến hành đình công trên cả nước nhằm tăng áp lực trong cuộc tranh cãi về tiền lương.
Hãng hàng không Lufthansa đã phải hủy hơn 800 trong số 1.600 chuyến bay trong ngày 10/4, khiến khoảng 90.000 hành khách bị ảnh hưởng.
Cuộc đình công diễn ra từ 5 giờ đến 18 giờ theo giờ địa phương (tức 10 giờ đến 23 giờ theo giờ Việt Nam).
Ngoài sân bay Frankfurt, đình công cũng sẽ diễn ra tại các sân bay ở Munich, Cologne và Bremen, cũng như các ngành trông trẻ, thu gom rác và bể bơi ở một số bang của Đức.
Các cuộc đình công trên là một hoạt động khởi động có tính truyền thống của các công đoàn Đức trước các cuộc đàm phán với giới chủ lao động.
Dự kiến vòng đàm phán cuối giữa công đoàn Verdi, đại diện cho các công chức và viên chức chính phủ và chính quyền các thành phố và người sử dụng lao động sẽ diễn ra vào ngày 15-16/4 tới.
Công đoàn Verdi đặt mục tiêu tăng 6% lương, hoặc tối thiểu 200 euro/ tháng, cho khoảng 2,3 triệu người, đối với người có hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên.
TTXVN